Tháng 8/1968, theo Quyết định của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), khoa Lịch sử - Địa lý Trường Đại học Sư phạm Vinh được thành lập. So với các đơn vị khác trong trường, Khoa Lịch sử ra đời sau 6 khoa: Ngữ văn, Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học và khoa Đào tạo giáo viên cấp II. Trải qua 50 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành trong các giai đoạn đầy sôi động của đất nước, khoa Lịch sử đã khẳng định được vị thế của mình và đạt được những thành tựu đáng kể.

Từ ngày ra đời đến nay, khoa Lịch sử đã trải qua những chặng đường sau đây:

- Thời kì sơ tán (1968 - 1973)

- Thời kì trở về thành phố Vinh đến khi bắt đầu công cuộc đổi mới (1973 - 1986)

- Thời kì từ khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay (1986 - 2018)

1. Thời kỳ sơ tán (1968 - 1973)

Sau gần 10 năm, Trường Đại học Sư phạm Vinh - “ngọn cờ hồng trên quê hương Xô viết” - được thành lập, nhưng giáo viên giảng dạy môn Lịch sử và môn Địa lý vẫn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo, cung cấp. Nhu cầu đào tạo giáo viên tại chỗ - ở nơi có truyền thống “Ông đồ xứ Nghệ” - đòi hỏi các nhà quản lý suy nghĩ đến việc thành lập khoa Lịch sử - Địa lý tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ngay từ năm 1967, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có chủ trương thành lập khoa Lịch sử - Địa lý. Tháng 5/1967, Nhà trường đã cử đồng chí Thảng (cán bộ tổ chức của Trường), đến Hưng Yên, nơi sơ tán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để tìm nguồn cán bộ giảng dạy cho khoa Lịch sử - Địa lý. Một số sinh viên đang học năm thứ ba, thứ tư, sau khi tốt nghiệp sẽ được chọn làm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Sư phạm Vinh. Cuối tháng 2/1968, GS. Nguyễn Thúc Hào, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh đã quyết định thành lập Ban Trù bị mở khoa Lịch sử - Địa lý, gồm có:

- Phạm Huy Phương - Trưởng ban, giảng dạy môn Mác - Lê nin.

- Phan Văn Ban - Phó ban, giảng dạy môn Lịch sử thế giới.

- Hoàng Văn Lân - Uỷ viên, giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam.

- Nguyễn Đình Tư - Uỷ viên, giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam.

- Phạm Văn Song - Uỷ viên, giảng dạy Địa lý.

Thầy Hoàng Văn Lân và Thầy Phan Văn Ban về trường sớm, biên chế ở khoa Ngữ văn. Thầy Phạm Huy Phương, Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Vinh đầu tiên, biên chế ở khoa Hoá học. Thầy Nguyễn Đình Tư, Phạm Văn Song về trường từ tháng 9/1967, dạy ở lớp Chuyên toán (do khoa Toán quản lý).

Ngày 7/3/1968, Ban Trù bị thành lập khoa Lịch sử - Địa lý họp tại nhà ông Nguyễn Văn Duyến, gần trung tâm Hiệu bộ (ở Yên Dạ, Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh Hoá). Cuộc họp tập trung thảo luận ba vấn đề: Chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng dạy, chương trình đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất (giáo trình, tài liệu, thư viện, lớp học). Thầy Hoàng Văn Lân được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình Lịch sử Việt Nam, thầy Phan Văn Ban xây dựng chương trình Lịch sử thế giới. Giữa tháng 3/1968, thầy Nguyễn Đình Tư được cử ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để học tập kinh nghiệm xây dựng chương trình và sưu tầm tài liệu, giáo trình. Cán bộ viên chức khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhiệt tình giúp đỡ trong việc xây dựng chương trình và tài liệu, giáo trình. Thầy Phan Ngọc Liên (bấy giờ là Phó Chủ nhiệm khoa, Bí thư Liên chi Đảng) trực tiếp giúp xây dựng chương trình đào tạo 4 năm. Cô Dung - phụ trách Thư viện khoa Lịch sử - cung cấp tài liệu, giáo trình.

Từ tháng 2 đến tháng 10/1968, hoạt động của Ban Trù bị do thầy Phạm Huy Phương và thầy Phan Văn Ban phụ trách.

Sau lễ tổng kết năm học 1967 - 1968, GS. Nguyễn Thúc Hào gặp thầy Phạm Huy Phương là Chủ nhiệm Bộ môn Mác - Lê nin và yêu cầu ông sang phụ trách khoa Lịch sử - Địa lý. Nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng giao, thầy Phạm Huy Phương lên đường đến Hưng Yên, nơi sơ tán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để học hỏi kinh nghiệm quản lý và tổ chức đào tạo sinh viên Sư phạm ngành Lịch sử - Địa lý.

Mùa thu năm 1968, khoa Lịch sử - Địa lý ra đời tại xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Bộ Giáo dục ra Quyết định thành lập Ban chủ nhiệm khoa gồm các thầy: Phạm Huy Phương (Chủ nhiệm khoa), Phan Văn Ban (Phó Chủ nhiệm). Sau đó, Ban Chủ nhiệm được bổ sung thêm thầy Trịnh Sanh (Phó Chủ nhiệm). Khi thầy Trịnh Sanh thôi làm Phó Chủ nhiệm (năm 1969), thầy Tôn Thất Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Khoa phụ trách cơ sở vật chất và đời sống từ năm 1970 đến năm 1973. Trong khoảng 10 năm đầu hình thành và phát triển của khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh gắn liền với sự lãnh đạo của Chi bộ khoa, của Ban Chủ nhiệm khoa do thầy Phạm Huy Phương làm Chủ nhiệm (1968 - 1977).

Tháng 10/1969, Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm Vinh ra quyết định thành lập Chi bộ khoa Lịch sử - Địa lý gồm 6 đảng viên do đồng chí Phạm Huy Phương làm Bí thư. Các tổ bộ môn được thành lập. Bộ môn Lịch sử Việt Nam do thầy Hoàng Văn Lân làm tổ trưởng, gồm các thầy cô: Phạm Thanh An, Nguyễn Đình Tư, Đỗ Trọng Khang, Trần Văn Khánh, Đỗ Thị Ngọc Tấn. Bộ môn Lịch sử thế giới do thầy Phan Văn Ban làm tổ trưởng, gồm hai nhóm: Nhóm Lịch sử thế giới có các thầy cô Lê Thị Hoàng Hoa, Dương Văn Tín, Nguyễn Văn Sơn; nhóm Giáo học pháp gồm thầy Lâm Quang Trực, Lê Huy Phúc, Biện Văn Dục.

Từ tháng 11/1968 đến tháng 5/1969, các cán bộ giảng dạy mới được cử ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để bồi dưỡng chuyên môn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nội dung giảng dạy. Thầy Nguyễn Đình Tư đi học chương trình trung cấp ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) từ tháng 3/1969 đến tháng 1/1970 để chuẩn bị giảng dạy phần Lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong điều kiện sơ tán, mỗi khoa như một nhà trường thu nhỏ, thực hiện giáo dục và quản lý toàn diện, có các bộ môn chung (Mác - Lênin, Tâm lý, Ngoại ngữ, Thể dục...), có cán bộ phụ trách tổ chức, văn phòng, thư viện, quản trị, y tế, cấp dưỡng, thủ kho, tiếp phẩm, liên lạc...

Khi sắp kết thúc năm học 1968 - 1969, cùng với Trường Đại học Sư phạm Vinh, khoa Lịch sử - Địa lý rời khỏi Thạch Thành (Thanh Hoá), xuôi dòng sông Bưởi, sông Mã, men theo kênh nhà Lê, thuyền bè vận chuyển hàng tấn sách báo, dụng cụ thí nghiệm, đồ đạc… cập bến Quỳnh Lưu. Biết bao khó khăn, trở ngại, song đã không cản trở được bước chân của thầy trò Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Trở về Nghệ An, khoa Lịch sử - Địa lý được phân công về đóng tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu). Để giữ bí mật, Khoa gọi bằng mật danh K8, Trường được gọi là Trường Văn hoá 12/9. Quỳnh Hoa nằm trên một dải cát trắng, dân nghèo, chủ yếu làm nghề nông, bữa ăn quanh năm là khoai, đậu. Đại đa số cán bộ, sinh viên đều ở trong nhà dân, được nhân dân cưu mang, đùm bọc. Sinh viên khoá đầu tiên của khoa Lịch sử - Địa lý (theo quy định của Trường là khoá 10) được nhập học tại nơi đất nghèo, cát trắng nhưng chứa chan tình người. Tháng 9/1969, khoa tuyển 180 sinh viên, trong đó có một số do các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An gửi. Vừa mới nhập học, Trường quyết định tách cán bộ giảng dạy và sinh viên ngành Địa lý sang xã Quỳnh Hồng, rồi giải tán. Hai lớp sinh viên Địa lý được chuyển sang học ngành Sư phạm Lịch sử. Theo đó, khoa Lịch sử - Địa lý được đổi tên thành khoa Lịch sử cho đến nay (năm 2018). Trong số 180 sinh viên khoá 10 có 7 giáo viên, cán bộ đi học, trong đó có 7 đảng viên, quê từ Vĩnh Linh đến Thanh Hoá. Sinh viên được chia thành 2 lớp A và B, phân tán trong hai cụm dân cư.

Ban đầu, đảng viên cán bộ và đảng viên sinh viên đều sinh hoạt trong một chi bộ do đồng chí Phạm Huy Phương làm Bí thư. Về sau, Đảng uỷ trường ra quyết định tách thành hai chi bộ: Chi bộ cán bộ và Chi bộ sinh viên. Các tổ chức khác của Khoa lần lượt ra đời. Ngày 25/10/1970, Liên chi đoàn Khoa tổ chức đại hội đầu tiên và bầu đồng chí Lâm Quang Trực làm Bí thư, đồng chí Lê Hồng Ân làm Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Thị Hoan (sinh viên khoá 10) làm uỷ viên.

Sinh viên lớp A và lớp B học chung trong một Hội trường cũ được sửa sang lại, cạnh bờ tre nhà dân. Quanh hội trường là những hầm chữ A, dưới chân các bàn học sơ sài là hệ thống giao thông hào thoát hiểm hình chữ chi (Z). Người liên lạc của khoa thêm nhiệm vụ cảnh giới máy bay. “Đảm bảo an toàn để giảng dạy và học tập tốt” là khẩu hiệu mà tất cả cán bộ, giảng viên và sinh viên đều quán triệt. Công tác nghiên cứu khoa học cũng sớm được chú ý. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tháng 9/1970, Ban Chủ nhiệm khoa Lịch sử chủ trương gửi cán bộ đi bồi dưỡng ở các trường đại học lớn. Mặt khác, Ban Chủ nhiệm khoa chủ động mời các giảng viên có uy tín vào trực tiếp giảng dạy cho sinh viên và báo cáo chuyên đề cho cán bộ giảng dạy. Thầy Hà Văn Tấn, chuyên gia hàng đầu của ngành Khảo cổ học nước ta, là người đầu tiên từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đến làm việc với thầy trò khoa Lịch sử ở nơi sơ tán. Thầy Nguyễn Xuân Kỳ từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào giảng dạy Lịch sử Thế giới hiện đại cho sinh viên. Ngay từ năm học đầu tiên, lãnh đạo Khoa đã tổ chức đưa 2 lớp sinh viên khoá 10 đi học tập ở Hà Nội từ ngày 12/6/1970, mở đầu cho truyền thống học tập trên hiện trường lịch sử.

Vừa học tập, rèn luyện, sinh viên khoa Lịch sử vừa tham gia phục vụ chiến đấu như chuyển đạn, giúp bộ đội kéo pháo vào trận địa, cùng thanh niên xung phong mở đường cho xe ra tiền tuyến.

Năm học 1970 - 1971, khoa Lịch sử có thêm sinh viên khóa 11. Đây cũng khoá sinh viên đầu tiên vào trường qua thi tuyển. Trong năm học này, sinh viên năm thứ hai (khoá 10) đi học tập, lao động sản xuất ở hợp tác xã Quỳnh Hồng, nông trường Trình Môn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), theo chủ trương học tập gắn liền với sản xuất.

Năm học 1971 - 1972, khoá 12 được chiêu sinh. Theo quyết định của Đảng uỷ trường, ngày 8/11/1971, Liên Chi bộ Khoa được thành lập với 3 chi bộ: Chi bộ cán bộ, Chi bộ sinh viên Sử 10, Chi bộ sinh viên Sử 11. Đồng chí Phan Huy Ngạn làm Bí thư Liên Chi bộ, đồng chí Nguyễn Đình Tư làm Phó Bí thư Liên Chi bộ kiêm Bí thư chi bộ cán bộ.

Từ tháng 8/1971 đến tháng 1/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều sinh viên khoá 10, 11 như Lê Công Mày, Nguyễn Văn Miêng, Nguyễn Thanh Tùng,  Nguyễn Hữu Ái, Đặng Chiến Quyết, Lê Văn Sỹ, Trần Xuân Hưng, Trần Tiến Huỳnh, Hà Đình Chuyển, Mai Xuân Thọ, Cao Võ Việt, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Mão, Lê Văn Cổn,… lên đường nhập ngũ. Trong số đó, một số người đã hy sinh anh dũng trên chiến trường chống Mỹ như Nguyễn Thanh Tùng, Lê Văn Sỹ, Hà Đình Chuyển, Cao Võ Việt, Mạnh Trọng Hoạch…

Tháng 4/1972, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) gần đường Quốc lộ 1A bị đánh phá ác liệt, nên theo chủ trương của Nhà trường, ngày 28/4/1972, khoa Lịch sử sơ tán lên xã Lăng Thành (huyện Yên Thành). Lãnh đạo và cán bộ Khoa mượn nhà dân cho sinh viên ở, tiếp nhận địa điểm dựng lớp học, nhà tập thể, nhà kho, thư viện. Tại địa điểm mới, sinh viên đi chặt cây, cắt cỏ tranh về dựng nhà, đào hầm bao quanh lớp học, thư viện… Lúc này, Ban Giám hiệu đóng ở Diễn Lâm (Diễn Châu) nên việc liên lạc khá khó khăn. Náu mình trong vùng đồi của xã Lăng Thành và Mã Thành, thầy trò khoa Lịch sử tiếp tục giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Tại Lăng Thành, Khoa phải tiếp tục phân tán. Lãnh đạo Khoa, cán bộ giảng dạy, cán bộ phục vụ và sinh viên khoá 10, sau thêm sinh viên khóa 13 ở xóm Quỳ Lăng; khoá 11, 12 ở một xóm khác. Hai địa điểm này muốn liên lạc với nhau phải đi qua một ngọn đồi, một cánh đồng và xóm đạo. Dưới sự chỉ đạo của Liên chi uỷ, Ban Chủ nhiệm khoa, các lớp sinh viên phải tự làm lấy lớp học, đào hầm để trú ẩn. Vừa sơ tán đến Lăng Thành chưa được bao lâu thì tất cả sinh viên khoa Lịch sử, theo sự điều động của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, vượt chặng đường dài, băng qua Truông Hến, đến xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) để tham gia đắp Đê 42. Nhiều cán bộ của Khoa đã vượt bom đạn vào Quảng Bình để tham gia công tác tuyển sinh. Sinh viên khoá 10 vừa gấp rút học cho xong chương trình, vừa khẩn trương rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.

Thực hiện chương trình đào tạo, sinh viên khoá 10 được phân thành từng nhóm nhỏ và đi bộ đến các trường Cấp III trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh để thực tập sư phạm. Sinh viên khoá 10 kết thúc đợt thực tập đúng vào ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973).

 Ngay từ năm 1972, học tập Chỉ thị 222/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chủ trương giáo dục gắn liền với thực tiễn, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, Đảng uỷ và Ban Chủ nhiệm khoa đã đề ra chủ trương "Giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học trên các hiện trường lịch sử". Chủ trương ấy được Thường vụ Đảng uỷ và Ban Giám hiệu Nhà trường, đặc biệt là GS. Nguyễn Thúc Hào hoan nghênh và tạo điều kiện để thầy và trò khoa Lịch sử thực hiện có hiệu quả. Là cán bộ giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam hiện đại, thầy Phan Huy Ngạn đã trực tiếp dẫn hơn 100 sinh viên năm thứ tư tiến hành học tập và nghiên cứu tại chiến khu Việt Bắc và di tích lịch sử Pắc Bó (Cao Bằng). Năm 1973, hơn 100 sinh viên năm thứ tư về Hợp tác xã Hồng Long (Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) tìm hiểu thực tiễn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta. Ngoài học tập và nghiên cứu khoa học, thầy trò cũng trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp gần một tháng, được Ban quản trị Hợp tác xã Hồng Long trả thù lao hơn 3 tấn thóc về nhập kho Nhà trường. Cũng trong năm 1973, các thầy Hoàng Văn Lân, Đỗ Trọng Khang, Dương Văn Tín đưa sinh viên năm thứ hai lên vùng rừng núi Hương Khê (Hà Tĩnh) để nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng.

Tổng kết 2 năm thực hiện chủ trương "Học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên hiện trường lịch sử", Ban Giám hiệu và Thường vụ Đảng uỷ Trường Đại học Sư phạm Vinh biểu dương thành tích của thầy trò khoa Lịch sử và khẳng định đó là một phương pháp đào tạo tốt. Báo Người giáo viên nhân dân đã đăng bài về phương thức đào tạo này của Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Trong thời kì sơ tán ở huyện Quỳnh Lưu và Yên Thành, nhiều cán bộ giảng dạy các bộ môn khác của Trường đã tham gia sinh hoạt, giảng dạy và được coi như cán bộ cơ hữu của Khoa như các thầy cô: Phạm Thanh Bình, Lưu Bá Phùng, Hoàng Minh Thao, Hồ Phi Đào (Tâm lí - Giáo dục), Đặng Văn Giáp (Chủ nghĩa Mác - Lênin), Đinh Thị Thơm (Nga văn), Nguyễn Thị Lan (Thể dục).v.v...

2. Thời kỳ về thành phố Vinh đến khi bắt đầu công cuộc đổi mới (1973 - 1986)

Hoà bình lập lại, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng bộ trường lần thứ XII (tháng 4/1973), khoa Lịch sử cùng với Trường Đại học Sư phạm Vinh chuẩn bị trở lại Thành phố Vinh để tiếp tục giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học trong điều kiện mới. Cuối năm 1973, cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Lịch sử chính thức trở về thành phố Vinh.       

Tháng 7/1973, lãnh đạo khoa Lịch sử đã có cuộc họp quan trọng quyết định chọn những sinh viên giỏi đầu tiên của khoa ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Đó là thế hệ cán bộ đầu tiên do chính khoa Lịch sử đào tạo: Phạm Trí Sính, Doãn Huy Thục, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Trọng Văn, Hoàng Thị Nhạc.         

Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh đã huy động một số cán bộ giảng dạy thực hiện nghĩa vụ chi viện cho giáo dục miền Nam. Khoa đã cử 5 thầy cô giáo của các bộ môn Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thế giới, Phương pháp giảng dạy lịch sử vào miền Nam công tác. Trong 2 năm 1975 - 1976, đoàn cán bộ giảng dạy của khoa Lịch sử gồm các thầy Hoàng Văn Lân, Phan Văn Ban, Phan Huy Ngạn, Dương Văn Tín, Lê Huy Phúc vào miền Nam giảng dạy cho sinh viên năm thứ tư của Trường Đại học Sư phạm Huế và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhất là quan điểm Sử học mác-xít, cho gần 300 giáo viên phổ thông của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1976, các thầy cô Nguyễn Đình Tư, Lâm Quang Trực, Lê Thị Hoàng Hoa, Lê Hồng Ân… chuyển công tác vào các trường đại học ở miền Nam.

Sinh viên từ khoá 14 đến khoá 21, tuy đã về thành phố nhưng vẫn tiếp tục học tập, sinh hoạt trong hoàn cảnh rất khó khăn. Lớp học và nhà ở đều bằng tranh tre, nứa mét. Năm 1978, thầy Phan Văn Ban được Nhà trường bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa. Năm 1984, thầy Phan Văn Ban được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư Sử học. Thầy Phan Văn Ban là vị Phó Giáo sư đầu tiên của khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Vinh. Đây không chỉ là vinh dự riêng của một trong những thầy giáo có công sáng lập khoa Lịch sử mà còn là vinh dự chung của cán bộ, sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Từ năm 1981 đến năm 1985, tức là từ khoá 22 đến khoá 25, Khoa Lịch sử không tuyển sinh. Trong suốt 4 năm, Khoa Lịch sử không có thêm sinh viên mới. Đây là một thời kỳ đầy thử thách của cán bộ, viên chức khoa Lịch sử. Nhiệm vụ chủ yếu của Khoa trong thời gian này là vừa tiếp tục đào tạo sinh viên các khoá còn lại, vừa tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Hầu hết cán bộ giảng dạy đều tham gia các lớp chuyên tu ngoại ngữ, đại học ngoại ngữ hệ tại chức. Nhiều cán bộ giảng dạy trẻ miệt mài ôn luyện để tham gia các kì thi nghiên cứu sinh nước ngoài. Nhờ vậy, trong thời gian này, Khoa đã có nhiều cán bộ giảng dạy trẻ được cử đi nghiên cứu sinh nước ngoài, như: Nguyễn Văn Tiệp (Nghiên cứu sinh chuyên ngành Dân tộc học ở Leningrad - Liên Xô), Nguyễn Trọng Văn (Nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử ở Matxcơva - Liên Xô), Nguyễn Hữu Chí (Nghiên cứu sinh chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Lịch sử ở Dresden - Cộng hòa Dân chủ Đức), Nguyễn Công Khanh (Nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử ở Tashkent - Liên Xô), Nguyễn Kế Thân (Nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử ở Minsk - Liên Xô).

   3. Thời kỳ từ khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay (1986 - 2018)

Cùng với Trường Đại học Sư phạm Vinh, khoa Lịch sử như có thêm luồng sinh khí mới nhờ có chủ trương đổi mới của Đảng. Từ năm học 1985 - 1986, khoa Lịch sử được phép tuyển sinh trở lại. Các Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) từ nước ngoài trở về Khoa công tác ngày càng nhiều: Nguyễn Văn Tiệp (về năm 1986), Nguyễn Trọng Văn (về năm 1987), Nguyễn Công Khanh (về năm 1990)... Năm 1991, thầy Hoàng Văn Lân được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư Sử học. Bên cạnh thuận lợi nói trên, trong khoảng 5 năm (1986 - 1990), thời kì chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế vận hành theo kinh tế thị trường có sự quản lý Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Trường Đại học Sư phạm Vinh nói chung, khoa Lịch sử nói riêng đứng trước những khó khăn thử thách mới.

Năm 1990, TS. Nguyễn Trọng Văn được Nhà trường bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa và giữ chức vụ này trong 2 nhiệm kỳ (1990 - 1995 và 1995 - 1999). Trong gần 10 năm này, khoa Lịch sử đã có bước phát triển đáng kể về đội ngũ cán bộ, hình thức và quy mô đào tạo. Các cán bộ giảng dạy được cử đi học Nghiên cứu sinh nước ngoài và trong nước lần lượt bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ đã bổ sung thêm đội ngũ cán bộ có học hàm, học vị của Khoa, như: Nguyễn Đình Lộc (năm 1991), Hoàng Đình Chiến (năm 1992), Phạm Ngọc Tân (năm 1994), Trần Viết Thụ (năm 1998). Năm 1996, TS. Nguyễn Trọng Văn được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Có thể nói, trong thời gian này, khoa Lịch sử là một trong những khoa có số lượng giảng viên có học hàm, học vị vào loại cao của Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng và nâng cao. Ngành đào tạo Cử nhân Sư phạm Lịch sử tiếp tục được giữ vững và nâng cao chất lượng; đồng thời tăng thêm quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu giáo viên giảng dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông cho các tỉnh khu vực Bắc Miền Trung và cho cả nước. Từ quy mô mỗi khóa chỉ một lớp, đến các khóa 36, 37, 38, mỗi khóa có hai lớp Sư phạm Lịch sử (gọi là lớp A và lớp B). Điều đáng chú ý là, từ khi thành lập đến năm 1996, khoa Lịch sử chỉ đào tạo một ngành duy nhất là Sư phạm Lịch sử. Từ năm 1996, được sự nhất trí của Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Vinh, khoa Lịch sử đã liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) mở các lớp đào tạo Cử nhân Văn thư Lưu trữ, Cử nhân Du lịch học (Khóa 36), Cử nhân Thông tin - Thư viện và Cử nhân Khoa học Lịch sử (Khóa 38). Thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo, Ban Chủ nhiệm, cán bộ, viên chức khoa Lịch sử đã chủ động thực hiện hầu hết các khâu: Tuyển sinh, tổ chức lớp, phân công giảng dạy, mời thỉnh giảng, khai giảng, bế giảng, hạch toán kinh phí thu - chi.v.v... Thông qua hoạt động liên kết này, đội ngũ quản lý, cán bộ, viên chức khoa Lịch sử đã học hỏi và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nhất là từng bước tiếp cận chương trình đào tạo Cử nhân ngoài ngành Sư phạm Lịch sử. Đây là tiền đề, là bước chuẩn bị quan trọng, để mấy năm sau đó, khoa Lịch sử cùng Trường Đại học Sư phạm Vinh chuyển từ đào tạo đơn ngành (Sư phạm) sang đào tạo đa ngành đáp ứng nhu cầu xã hội.

Một sự kiện đáng chú ý trong thời kỳ này là khoa Lịch sử mở mã ngành đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Sau mấy năm chuẩn bị về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo,... đến năm 1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Sư phạm Vinh đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Như vậy, khoa Lịch sử là một trong những khoa đầu tiên của trường Đại học Vinh đào tạo Cao học Thạc sỹ và sau một phần tư thế kỷ đào tạo bậc Đại học, khoa Lịch sử đã trưởng thành vươn lên đảm nhận nhiệm vụ đào tạo Sau đại học, góp phần cùng Trường Đại học Sư phạm Vinh cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho khu vực Bắc miền Trung và cho cả nước. Những khóa đầu tiên Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam số lượng học viên còn ít, đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu còn thiếu kinh nghiệm; hơn nữa để đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết đào tạo với các trường Đại học, Viện nghiên cứu lớn, Ban Chủ nhiệm khoa chủ trương tăng cường mời các Giáo sư, Phó Giáo sư có uy tín đến trực tiếp giảng dạy và trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh luôn ghi nhớ và biết ơn đóng góp của GS. Trương Hữu Quýnh, PGS.TS. Trần Bá Đệ, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Minh, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ, PGS.TS. Đinh Ngọc Bảo, PGS.TS. Đào Tố Uyên... (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), GS. Vũ Dương Ninh, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh, PGS.TS. Phạm Xanh... (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia Hà Nội), PGS.TS. Đỗ Bang (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) trong đào tạo Cao học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam những khóa đầu tiên.

Tháng 11/1999, TS. Nguyễn Công Khanh được bổ nhiệm Chủ nhiệm khoa và giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (1999 - 2003 và 2003 - 2008). Có thể nói trong thời gian này, khoa Lịch sử có nhiều biến chuyển. Ngoài hệ đào tạo Cử nhân Sư phạm Lịch sử hệ chính qui, từ năm học 1999 - 2000, Khoa bắt đầu đào tạo hệ Cử nhân Khoa học Lịch sử chính qui (Khóa 40B là khóa đầu tiên). Cũng trong năm học này, ngành Cử nhân Khoa học Lịch sử hệ tại chức tập trung được tuyển sinh với trên 360 sinh viên, chia thành 6 lớp.

Năm 1999, Ban Giám hiệu Nhà trường giao nhiệm vụ cho khoa Lịch sử xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo Cử nhân Sư phạm Địa lý. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đã một số lần Trường Đại học Sư phạm Vinh có chủ trương mở mã ngành đào tạo này nhưng không thành công. Năm 1968, lúc mới thành lập, khoa Lịch sử - Địa lý đào tạo cả ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Địa lý, nhưng chỉ được mấy tháng số sinh viên Sư phạm Địa lý chuyển sang học ngành Sư phạm Lịch sử. Năm 1978, Trường Đại học Sư phạm Vinh đã có chủ trương thành lập khoa Địa lý, đội ngũ cán bộ giảng dạy Địa lý đã hình thành nhưng sau đó phải giải tán. Đầu năm 1999, thực hiện nhiệm vụ Nhà trường giao cho, Ban Chủ nhiệm khoa đã thành lập Tổ dự thảo Đề án. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chủ nhiệm khoa, Tổ dự thảo đề án đã tiến hành điều tra xã hội học nhằm khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên giảng dạy môn Địa lý cho các trường phổ thông thuộc các tỉnh khu vực Bắc miền Trung, tham khảo chương trình đào tạo Cử nhân Sư phạm Địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Huế, chương trình đào tạo Cử nhân Địa lý của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), phân công các thành viên trong tổ viết bản thảo dự án.v.v... Đề án mở mã ngành đào tạo Cử nhân Sư phạm Địa lý được Hội đồng nghiệm thu Nhà trường đánh giá cao và trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Sư phạm Vinh đào tạo Cử nhân Sư phạm Địa lý. Được sự nhất trí của Ban Giám hiệu, khoa Lịch sử thành lập Tổ Địa lý để tập hợp đội ngũ giảng viên, phân công giảng dạy, biên soạn đề cương chi tiết môn học và cùng với cán bộ, viên chức toàn Khoa chuẩn bị công tác tuyển sinh. Trong năm học 2000 - 2001, sinh viên khoá đầu tiên ngành Sư phạm Địa lý (Khóa 41) nhập học dưới sự quản lý của khoa Lịch sử. Cán bộ giảng dạy đầu tiên của tổ Địa lý gồm ba người: Hồ Thị Thanh Vân (Tổ trưởng), Mai Văn Quyết, Đậu Khắc Tài. Tiếp đó, được bổ sung thêm: Võ Thị Thu Hà, Phạm Vũ Chung, Nguyễn Thị Trang Thanh… Đến năm 2004, khi ngành Sư phạm Địa lý tách khỏi khoa Lịch sử và thành lập khoa Địa lý, số lượng cán bộ giảng dạy của tổ Địa lý đã lên đến 16 người. Với sự kiện này, khoa Lịch sử có quyền tự hào là đã giúp Trường Đại học Vinh hoàn chỉnh hệ thống các khoa đào tạo giáo viên giảng dạy các môn khoa học cơ bản ở trường phổ thông.

Ngày 25/4/2001, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Sư phạm Vinh được đổi tên thành Trường Đại học Vinh. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Nhà trường nói chung mà còn đối với khoa Lịch sử nói riêng. Từ đây, bên cạnh đào tạo Cử nhân Sư phạm Lịch sử, khoa Lịch sử chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao gồm nhiều ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực Bắc miền Trung và cho cả nước. Đúng vào thời điểm này, khoa Lịch sử có thêm điều kiện để thực hiện nhiệm vụ mới nhờ được bổ sung 5 cán bộ giảng dạy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và lần lượt về Khoa công tác: Văn Ngọc Thành, Trịnh Thị Thủy (năm 2001), Trần Văn Thức (năm 2003), Nguyễn Quang Hồng (bảo vệ năm 2000, chuyển về khoa năm 2004) và Trần Vũ Tài (năm 2007).

Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Vinh mở mã ngành đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Thế giới; năm 2008 mở mã ngành đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử. Như vậy, đến năm 2008, về đào tạo Sau đại học, khoa Lịch sử đã có đầy đủ các mã ngành Cao học: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử.

Về đào tạo đại học, trong năm học 2007 - 2008, khoa Lịch sử mở thêm 2 mã ngành đào tạo mới là Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch) và Công tác xã hội với số lượng sinh viên ngày càng đông. Trong thời gian này, khoa Lịch sử có số lượng sinh viên vào loại đông nhất trường (trên 2.100 sinh viên) và có nhiều hoạt động sôi nổi: Lễ hội đón chào Thiên niên kỷ mới, Hội thi Nét đẹp nữ sinh, Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ,…

Ghi nhận những thành tích về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác, năm 2002, khoa Lịch sử vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 2003, TS. Nguyễn Công Khanh được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, nâng số lượng Phó Giáo sư đang công tác tại Khoa lên 4 người.

Năm 2008, TS. Trần Văn Thức được Nhà trường bổ nhiệm Chủ nhiệm khoa Lịch sử. Tiếp nối truyền thống 40 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời phát huy những thế mạnh của Khoa trong điều kiện mới, cán bộ, viên chức khoa Lịch sử tiếp tục phấn đấu đưa Khoa lên một vị thế mới, tầm cao mới. Có thể nói rằng, trong thời gian này khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tất cả các lĩnh vực: xây dựng đội ngũ, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học...

Trong vòng 4 năm (2008 - 2014), đội ngũ cán bộ giảng dạy, viên chức của Khoa trưởng thành vượt bậc. Hàng loạt cán bộ giảng dạy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, như: Trần Thị Thanh Vân (năm 2010), Bùi Văn Hào, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Anh Chương, Lê Thế Cường, Tăng Thị Thanh Sang (năm 2011), Nguyễn Văn Tuấn, Hắc Xuân Cảnh, Dương Thị Thanh Hải (năm 2012), Lê Đức Hoàng, Đặng Như Thường (năm 2013), Hoàng Thị Hải Yến, Mai Phương Ngọc (năm 2014). Năm 2010, Khoa có 3 cán bộ giảng dạy được phong học hàm Phó Giáo sư: Phạm Ngọc Tân, Trần Viết Thụ, Nguyễn Quang Hồng. Hai năm sau, năm 2012, đồng chí Trần Văn Thức được phong học hàm Phó Giáo sư. Ba cán bộ giảng dạy được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba: Nguyễn Công Khanh (năm 2012), Nguyễn Trọng Văn (năm 2013), Trần Viết Thụ (năm 2014). Năm 2012, PGS.TS. Nguyễn Công Khanh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh đào tạo Tiến sĩ hai chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận hiện đại và Lịch sử thế giới cận hiện đại. Năm 2013, Khoa mở thêm mã ngành đào tạo Cử nhân Quản lý văn hóa. Như vậy, tính đến thời điểm năm 2014, hệ thống đào tạo Đại học và Sau đại học của Khoa đã khá hoàn chỉnh. Về đào tạo bậc Đại học có các ngành: Sư phạm Lịch sử, Cử nhân Khoa học Lịch sử, Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch), Công tác xã hội và Quản lý văn hóa. Về đào tạo bậc Sau đại học, Cao học Thạc sĩ có ba chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới và Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử; Nghiên cứu sinh Tiến sĩ có hai chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam cận hiện đại và Lịch sử thế giới cận hiện đại. Điều đáng chú ý là, đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu của Khoa đều làm chủ chương trình, biên soạn tài liệu, giáo trình và đảm trách nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo cho tất cả các ngành từ bậc Đại học đến bậc Sau đại học.

Ngoài đào tạo đại học chính quy tại Trường, Khoa Lịch sử còn đào tạo hệ vừa làm vừa học các ngành: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Văn - Sử, Công tác xã hội, Quản lý văn hoá... trải dài trên địa bàn các tỉnh: Điện Biên, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắc Lăk...

Ở bậc đào tạo Sau đại học, Khoa Lịch sử đã đào tạo cao học thạc sĩ tại Thanh Hoá, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, chất lượng các đề tài, dự án được nâng cao. Bên cạnh các đề tài khoa học công nghệ cấp Trường, cấp Bộ, đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học tiếp tục được triển khai, trong thời gian này, khoa Lịch sử tăng cường thực hiện các đề tài, dự án phục vụ kinh tế - xã hội địa phương, điển hình như: “Địa chí huyện Quỳ Châu tỉnh Nghệ An” (nghiệm thu năm 2011), “Lịch sử Nghệ An” (nghiệm thu năm 2012)... Nhiều hội thảo khoa học cấp Quốc gia do Khoa tổ chức thu hút được nhiều nhà khoa học trong nước tham gia và có tiếng vang lớn trong giới học thuật, như: “Thanh - Nghệ - Tĩnh với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" (năm 2010), "Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước" (năm 2011), “Thanh - Nghệ - Tĩnh với chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ” (năm 2014).

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động rèn nghề tiếp tục diễn ra sôi nổi. Hai lần liên tiếp đội tuyển sinh viên khoa Lịch sử đạt giải nhất trong Hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp Trường (năm 2012 và năm 2014).

Cuối năm 2014, PGS.TS. Trần Văn Thức được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa điều động về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Đầu năm 2015, TS. Trần Vũ Tài được Nhà trường bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa.

Trong thời gian 3 năm (2015 - 2018), cán bộ, viên chức khoa Lịch sử tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả trên các lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đội ngũ cán bộ giảng dạy tiếp tục được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ giảng dạy các ngành mới được Khoa ưu tiên. Số cán bộ giảng dạy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tiếp tục được bổ sung thêm: Tôn Nữ Hải Yến, Mai Thị Thanh Nga, Nguyễn Hồng Vinh (năm 2016), Đậu Đức Anh, Võ Cẩm Ly, Đặng Thị Minh Lý, Bùi Minh Thuận (năm 2017), Võ Thị Hoài Thương (năm 2018). Ba cán bộ giảng dạy của Khoa được Nhà trường bổ nhiệm học hàm Phó Giáo sư: Bùi Văn Hào (năm 2015), Nguyễn Thị Hương (năm 2016), Trần Vũ Tài (năm 2017). Cũng trong thời gian này, có 8 cán bộ giảng dạy được Nhà nước nâng hạng Giảng viên cao cấp: Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Công Khanh, Phạm Ngọc Tân, Trần Viết Thụ, Bùi Văn Hào, Nguyễn Quang Hồng, Nguyễn Thị Hương, Trần Vũ Tài. Tính đến năm 2018, khoa Lịch sử là đơn vị có đội ngũ cán bộ giảng dạy có học hàm, học vị vào loại cao nhất trường với 42% cán bộ đạt trình độ từ Tiến sĩ trở lên (trong đó ngành Sư phạm Lịch sử có trên 90% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ trở lên).

Hoạt động đào tạo bậc Đại học và Sau đại học tiếp tục được giữ vững, nhưng bắt đầu bộc lộ sự mất cân đối giữa các ngành đào tạo. Số sinh viên theo học ngành Sư phạm Lịch sử và ngành Quản lý văn hóa ngày càng ít dần, trong khi số lượng sinh viên học ngành Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch) và Công tác xã hội lại tăng lên. Công tác tuyển sinh Đại học và Sau đại học ngày càng khó khăn, địa bàn tuyển sinh bị thu hẹp. Một sự kiện đáng lưu ý trong đào tạo bậc Sau đại học là những Nghiên cứu sinh đầu tiên học tập tại Khoa đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Năm 2016, Mai Thị Thanh Nga, nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, nghiên cứu sinh Tôn Nữ Hải Yến và Hà Nguyên Khoa chuyên ngành Lịch sử thế giới cận hiện đại đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Thực hiện chủ trương của Nhà trường về chuyển đổi mô hình đào tạo từ truyền thống sang tiếp cận CDIO, cán bộ giảng dạy của Khoa đã tích cực nghiên cứu mô hình mới và vận dụng vào thực tiễn dạy học. Các đề tài khoa học cấp Trường trọng điểm nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo các ngành Sư phạm Lịch sử, Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch), Công tác xã hội, Quản lý văn hóa tiếp cận CDIO do cán bộ của Khoa chủ trì được nghiệm thu và áp dụng. Các đề tài cấp Trường nghiên cứu xây dựng chương trình các học phần tiếp cận CDIO đang được cán bộ, giảng viên của Khoa tiếp tục thực hiện.

Đi đôi với xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận CDIO, việc biên soạn tài liệu, giáo trình phục vụ mô hình đào tạo mới được đẩy mạnh. Năm 2016, giáo trình “Lịch sử văn minh thế giới” do PGS.TS. Nguyễn Công Khanh chủ biên và giáo trình “Tính đặc thù của xã hội phương Đông cổ đại” do TS. Nguyễn Thị Hương chủ biên được xuất bản. Năm 2018, các giáo trình “Tiến trình lịch sử Việt Nam” do PGS.TS. Trần Vũ Tài chủ biên, “Tôn giáo học đại cương” do PGS.TS. Bùi Văn Hào chủ biên và “Lý luận dạy học lịch sử - Những vấn đề chung” do PGS.TS. Trần Viết Thụ chủ biên tiếp tục được xuất bản, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên theo mô hình đào tạo mới.

Các đề tài, dự án phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được triển khai như Lịch sử địa phương ở Nghệ An, Đắc Lắk, Địa chí huyện Kỳ Sơn, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn.v.v...

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tạo tiền đề để Trường Đại học Vinh phát triển đi lên trong điều kiện lịch sử mới, từ năm 2017, Nhà trường đã tiến hành sắp xếp lại các đơn vị đào tạo. Năm 2018, việc tái cơ cấu tiếp tục áp dụng cho những khoa còn lại. Ngày 20/6/2018, hai đơn vị mới được thành lập: Viện Sư phạm Xã hội và Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo đó, cán bộ giảng dạy và sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử trở thành một bộ phận của Viện Sư phạm Xã hội; cán bộ giảng dạy và sinh viên các ngành Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch), Công tác xã hội và Quản lý văn hóa trở thành một bộ phận của Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn.

*

*     *

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành (1968 - 2018), cán bộ, giảng viên và các thế hệ sinh viên có quyền tự hào về những thành quả đạt được qua bao gian lao, thử thách. Từ một khoa ra đời trong điều kiện chiến tranh ác liệt, bằng sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ thầy trò, đã đưa khoa Lịch sử lên vị trí xứng đáng trên bản đồ đào tạo Đại học nước nhà, đóng góp to lớn vào sự phát triển của Trường Đại học Vinh và góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho khu vực Bắc Miền Trung và cho cả nước. Những thành tựu to lớn mà khoa Lịch sử đạt được trong 50 năm qua là nhờ sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Đảng bộ bộ phận, Ban Chủ nhiệm khoa, sự đóng góp hết sức mình của các thế hệ thầy trò, cán bộ viên chức khoa Lịch sử. Cán bộ viên chức, học viên sinh viên khoa Lịch sử luôn ghi nhớ các thầy cô có nhiều đóng góp cho sự ra đời và phát triển của Khoa nay đã đi xa, như: Phạm Huy Phương, Hoàng Văn Lân, Phan Văn Ban, Phan Huy Ngạn, Lê Huy Phúc, Lâm Quang Trực, Nguyễn Đôn Thanh, Biện Văn Dục, Lê Tiến Giáp, ...

 Khái quát lại, những thành tựu chủ yếu của khoa Lịch sử trong nửa thế kỷ qua là:

Thứ nhất, các thế hệ thầy trò khoa Lịch sử đã tạo dựng được một truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc của Khoa. Đó là không khí dân chủ, đoàn kết, tương thân tương ái giữa các thành viên trong Khoa. Đó là quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các thế hệ giảng viên vừa cởi mở, thân mật, vừa “có trên có dưới”, “thầy ra thầy, trò ra trò”. Tình cảm thầy trò, nhất là đối với các thế hệ thầy giáo lão thành được cán bộ, viên chức toàn Trường Đại học Vinh ghi nhận và noi theo.

Hai là, Khoa đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy đông về số lượng; mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ; vững vàng về tư tưởng, chính trị; trong sáng về phẩm chất, đạo đức. Từ một Khoa có số lượng cán bộ giảng dạy ít ỏi, 100% cán bộ chỉ đạt đến trình độ Đại học, sau 50 năm đào tạo, bồi dưỡng, đến năm 2018, khoa Lịch sử đã có một đội ngũ cán bộ giảng dạy với 100% đạt trình độ Thạc sĩ, trong đó có 42% cán bộ giảng dạy có học vị từ Tiến sĩ trở lên (riêng ngành Lịch sử đã có gần 100% cán bộ đạt học vị Tiến sĩ, hơn 40% được bổ nhiệm học hàm Phó giáo sư). Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa có năng lực và kinh nghiệm về xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, giáo trình, trực tiếp giảng dạy đào tạo bậc Đại học và Sau đại học, chủ trì và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ.v.v... Những năm gần đây, nhiều cán bộ giảng dạy, nhất là cán bộ giảng dạy trẻ đang tiếp cận trình độ khu vực trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

Ba là, khoa Lịch sử đã đào tạo và cung cấp một số lượng lớn nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh khu vực Bắc Miền Trung và cho cả nước. Trong 50 năm qua, hàng ngàn giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, môn Địa lý, giảng dạy hai môn Văn - Sử, Sử - Chính trị do Khoa đào tạo và góp phần đào tạo đã công tác tại các trường phổ thông từ Bắc chí Nam. Trong khoảng 15 năm lại đây, hàng trăm Cử nhân các ngành Văn thư Lưu trữ, Du lịch học, Thông tin - Thư viện, Cử nhân Khoa học Lịch sử, Công tác xã hội, Việt Nam học (Chuyên ngành Du lịch), Quản lý văn hóa ra trường và đang hăng say làm việc trên các lĩnh vực chuyên ngành. Cũng trong khoảng 15 năm lại đây, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 86 cựu sinh viên, học viên đạt trình độ Tiến sĩ, hàng trăm Thạc sĩ do Khoa đào tạo đang nỗ lực đóng góp trí tuệ và sức lực của mình trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều cựu sinh viên, học viên của Khoa nhanh chóng trưởng thành, đã và đang giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước ta, trở thành niềm tự hào của các thế hệ thầy trò khoa Lịch sử.

Bốn là, công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao dần về chất lượng, trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy tập trung vào các mảng chủ yếu sau đây: Nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo. Tính đến nay (năm 2018), cán bộ giảng dạy của Khoa đã biên soạn và tham gia biên soạn 54 giáo trình. Viết và đăng tải các bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Tạp chí Khoa học (Trường Đại học Vinh)... Theo thống kê chưa đầy đủ, cán bộ giảng dạy của Khoa đã đăng tải gần 1.000 bài báo khoa học trên các tạp chí khác nhau. Tổ chức các Hội thảo khoa học nhằm trao đổi những vấn đề học thuật và kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo. Cán bộ giảng dạy của Khoa tích cực đăng ký và thực hiện các đề tài cấp Trường, cấp Bộ, tham gia các đề tài cấp Nhà nước. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy, Khoa còn chú trọng đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Năm là, tổ chức tốt các hoạt động mang nét đặc thù của khoa Lịch sử như: Công xã Pari (18/3), Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), Ngày giải phóng miền Nam (30/4), Lễ kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9), Cách mạng tháng Mười Nga (7/11), ... Qua hoạt động này, sinh viên vừa được mở rộng, nâng cao kiến thức lịch sử vừa được giáo dục tư tưởng, tình cảm đúng đắn và hình thành một số kỹ năng cần thiết trong tổ chức các sinh hoạt tập thể.

Sáu là, đi đôi với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo, Khoa còn quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức. Khoa có nhiều cố gắng để tăng nguồn quĩ và thực hiện tốt việc quản lý việc thu - chi công bằng, hợp lý. Trong nhiều năm, Khoa đã tổ chức cho cán bộ, viên chức đi tham quan Vịnh Hạ Long, Côn Sơn, Yên Tử, Sa Pa, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Cần Thơ, Hà Tiên, Phú Quốc... kể cả tham quan nước ngoài như Lào, Trung Quốc, Malaysia, Singapore...

Bảy là, tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Khoa Lịch sử có mối quan hệ gần gũi với tất cả khoa Lịch sử của các trường đại học, nhất là đối với khoa Lịch sử các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Sài Gòn... Các viện nghiên cứu như Viện Sử học, Nghiên cứu Đông Nam Á, Khảo cổ học, Dân tộc học... (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từ lâu đã trở thành đối tác thường xuyên của Khoa trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Hầu hết cán bộ giảng dạy trong Khoa đều là hội viên của các tổ chức nghề nghiệp như Hội Sử học Việt Nam, Hội Giáo dục lịch sử và có đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh của các tổ chức này.

Năm mươi năm – một chặng đường, khoa Lịch sử, nay là ngành Lịch sử, Viện Sư phạm Xã hội tiếp tục phấn đấu vươn lên tầm cao mới của sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, đóng góp to lớn vào sự phát triển của Trường Đại học Vinh anh hùng.

Một số hình ảnh về đào tạo cán bộ

Một số hình ảnh về hoạt động đào tạo:


Một số hình ảnh về hoạt động Nghiên cứu khoa học:


Một số hoạt động về rèn nghề cho sinh viên:


Một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao:


 

 

 

Ban Tổ chức