1. Nghệ An là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hoá lâu đời, có hệ thống di tích, di tích lịch sử vô cùng phong phú, là bằng chứng hiện hữu của quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước, sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần của nhiều thế hệ.  Việc sử dụng các di tích lịch sử tại địa phương ở Nghệ An có tác dụng hình thành kiến thức lịch sử, phát triển kĩ năng, năng lực chung và chuyên biệt cho học sinh. Từ đó bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách của các em.

 2. Tổ chức dạy học với di tích tại địa phương trong dạy học lịch sử thực chất là khai thác nội dung di tích một cách có mục đích, chọn lọc để đề xuất các hình thức, biện pháp tổ chức dạy học nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu môn học.

3. Di tích lịch sử tại địa phương ở Nghệ An đóng vai trò là nguồn tư liệu, phương tiện trực quan vô giá trong dạy học bộ môn. Trong điều kiện mới, việc tổ chức dạy học bộ môn với các di tích này cần có những thay đổi, những đột phát. Đó là việc cần đổi mới  phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp với các biện pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, hiện đại. Bởi vì, trong bối cảnh hiện nay, học sinh không còn đóng vai trò thụ động mà thay vào đó là sự chủ động, kiến tạo, tích cực và sáng tạo. Như vậy, việc tổ chức dạy học với di tích lịch sử ở địa phương tại Nghệ An sẽ góp phần phát huy năng lực học sinh, bồi dưỡng tình cảm yêu quê hương, đất nước cho các em.

4. Luận án giới thiệu khái quát  nội dung di tích lịch sử tiêu biểu có thể khai thác, tổ chức trong dạy học bộ môn ở trường Trung học phổ thông tại Nghệ An. Để tổ chức hiệu quả, giáo viên có thể sử dụng nhiều hình thức dạy học đa dạng như: đưa kiến thức về di tích lịch sử ở địa phương vào các lớp học, “nghiên cứu di tích khi vẫn ngồi trên lớp học”; học tại thực địa, tại di tích trong bài học lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương (nội khóa và ngoại khóa); các hoạt động ngoại khóa có sử dụng di tích lịch sử  ở địa phương tại Nghệ An. Dựa vào điều kiện thực tế mà giáo viên lựa chọn các hình thức khác nhau để giáo dục và phát triển học sinh.

 5. Luận án đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức dạy học lịch sử với di tích lịch sử tại địa phương ở Nghệ An trong bài học trên lớp bằng việc đưa ra các nguyên tắc, thiết kế cấu trúc  cho loại bài này, cùng với việc tiến hành thực nghiệm để khẳng định tính khả thi của những biện pháp sư phạm được đề xuất. 6. Kết quả thực nghiệm cho thấy tính khả thi của các hình thức và biện pháp tổ chức mà luận án đề xuất. Tuy nhiên, để tổ chức dạy học lịch sử với di tích lịch sử  ở địa phương tại Nghệ An có hiệu quả,  không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhà trường mà trước hết cần sự nỗ lực, cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học của chính các thầy cô giáo bộ môn.

Lễ bảo vệ diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Các thành viên Hội đồng khẳng định tính khoa học và thực tiễn của luận án, đóng góp của luận án đối với dạy học Lịch sử hiện nay.

Việc bảo vệ thành công luận án của giảng viên Nguyễn Thị Duyên đã góp phần nâng cao số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy của Viện Sư phạm xã hội, Trường Đại học Vinh.

LTC