Ngày 22/3/2018, được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường, Ngành Lịch sử đã tổ chức buổi  seminar về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể môn Lịch sử tại Phòng A2 – 103, Trường Đại học Vinh.

Tham dự buổi seminar có Lãnh đạo ngành cùng 20 cán bộ giảng dạy môn đến từ tổ Lịch sử thế giới, Lịch sử Việt Nam, Phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử. TS.Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng bộ môn Lịch sử thế giới chủ trì seminar.

Phát biểu tại buổi seminar, PGS.TS.Trần Vũ Tài nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức seminar về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể môn Lịch sử, yêu cầu cán bộ giảng dạy thấm nhuần tư tưởng, mục tiêu và kiến thức cơ bản của môn Lịch sử ở các cấp học. Từ đó, cán bộ giảng dạy từng bước phát triển, điều chỉnh chương trình giảng dạy ở bậc đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.


 PGS.TS.Trần Viết Thụ - Trưởng Bộ môn Phương pháp dạy học Lịch sử trình bày những điểm cơ bản về nội dung chương trình ở cả 3 cấp học: Lịch sử trong môn Tự nhiên xã hội ở bậc Tiểu học, phần Lịch sử trong môn Lịch sử - Địa lý ở cấp THCS và Lịch sử ở bậc THPT. Qua đó, chỉ ra những điểm mới của Chương trình môn Lịch sử sắp ban hành so với chương trình trước đây.


Tiếp đó, PGS.TS.Nguyễn Công Khanh - Người đã tham gia góp ý và tham dự Hội thảo về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể môn Lịch sử ở Hà Nội vào ngày 19/12/2017, đã giới thiệu cụ thể về mục tiêu, phương pháp tiếp cận, nội dung,….của Chương trình ở cả 3 cấp học. Thông qua đó, PGS.TS.Nguyễn Công Khanh cũng chỉ ra những ưu điểm, một số vấn đề còn băn khoăn trong chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử.


Ở phần thảo luận, PGS.TS.Nguyễn Trọng Văn, TS.Nguyễn Văn Tuấn, TS.Lê Thế Cường và nhiều giảng viên đã trao đổi nhiều vấn đề về chương trình tích hợp ở các cấp Tiểu học và THCS, định hướng phát triển năng lực của chương trình, những vấn đề đặt ra cho đào tạo cử nhân sư phạm Lịch sử đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới…

Kết luận buổi seminar, TS.Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, những thay đổi trong dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể môn Lịch sử (dự kiến chính thức công bố vào tháng 4.2018) rất quan trọng, đề nghị các giảng viên tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào việc đổi mới chương trình đào tạo cử nhân sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Đây là một hoạt động có ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên khoa Lịch sử về Chương trình giáo dục phổ thông mới, sẵn sàng đổi mới trong đào tạo cử nhân sư phạm Lịch sử đáp ứng yêu cầu xã hội.

Ban Truyền thông