Bộ Giáo dục Anh cũng nêu rõ mục đích của học địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông là cung cấp cho học sinh các cơ hội hiểu thêm về thế giới, những thách thức mà thế giới phải đối mặt. Học địa lý còn giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng như điều tra và phương pháp tiếp cận nghiên cứu thực địa, sử dụng bản đồ và hệ thống thông tin (GIS)… Đặc biệt, học địa lý giúp học sinh trở thành những công dân toàn cầu, có hiểu biết và quan tâm về môi trường.

Trong thời đại công nghệ đang cực thịnh, chuyện dạy và học môn địa lý càng thay đổi theo hướng thực tế. Tờ The New York Times (Mỹ) từng đăng tải đề xuất của học sinh về môn học này theo hướng kết hợp các hệ thống đồ họa, mô hình trên máy tính, bản đồ các loại, tin tức xảy ra tại các vùng miền để kết nối với điều kiện địa lý, xã hội của vùng đó.

Như vậy rõ ràng đối với các nước, địa lý không chỉ là những địa điểm có tên trên bản đồ mà còn về con người, văn hóa, lịch sử của từng vùng miền; các tác động về thiên tai đến cuộc sống con người và cách đối xử của nhân loại đối với tự nhiên đã làm thay đổi bề mặt địa lý, hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế như thế nào. Có thể nói, nắm vững địa lý sẽ giúp thế hệ tương lai hiểu hơn về quá khứ, hiện tại và tương lai của toàn cầu, cũng như vai trò của từng địa phương đối với phần còn lại của thế giới.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vừa công bố cũng đã xác định: môn Địa lí vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Địa lí kinh tế - xã hội) vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Địa lí tự nhiên), giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản về khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức địa lí trong đời sống; đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã được hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo cơ sở vững chắc giúp học sinh tiếp tục theo học các ngành nghề liên quan.

Như vậy, với các định hướng trên, ngành Địa lý học ở các trường đại học cũng có hai phần đó là Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế - xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra một số định hướng nghề nghiệp về lĩnh vực Kinh tế - xã hội cho các bạn làm tư liệu tham khảo và xác định mục tiêu nghề nghiệp ngay sau khi ra trường.

Kiến thức về môn Địa lý nhìn chung cũng khá rộng. Để bước chân vào môi trường này, bạn cần phải học tập thật chắc, nắm được cách học giỏi môn Địa lý bằng những phương pháp và kinh nghiệm học tập hiệu quả. Khi đã bước chân vào lĩnh vực này, bạn sẽ được truyền đạt nhiều kiến thức về kỹ năng chuyên ngành. Vì thế, các cử nhân ngành địa lý học sau khi tốt nghiệp có thể ở lại trường làm công tác nghiên cứu, giảng dạy. Đó cũng là một định hướng khá rõ ràng. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm các công việc khác như: tổ chức và quy hoạch lãnh thổ, quản lý tài nguyên, quản lý các dự án nông nghiệp,…

Với lĩnh vực Địa lý kinh tế  - xã hội, bạn có thể tham gia vào một trong bốn chuyên ngành cơ bản dưới đây:

1. Chuyên ngành Địa lý kinh tế và phát triển vùng

Trong ngành này, bạn sẽ được học tập các chuyên đề cũng như khối kiến thức chuyên ngành và liên ngành. Nhờ đó có thể ứng dụng vào các vấn đề thực tiễn cuộc sống như vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập, các định hướng về phát triển kinh tế, xã hội, vùng đô thị,…

Với một lượng kiến thức lớn và những kỹ năng được truyền đạt trong quá trình học tập, sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể làm việc trong các tổ chức, ban ngành liên quan đến các vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề hội nhập, quy hoạch và phát triển các vùng đô thị, nông thôn, phát triển kinh tế,…

2. Chuyên ngành Địa lý môi trường

Kinh nghiệm học địa lý về môi trường sẽ tạo điều kiện cho bạn tham gia vào các công việc như: đánh giá chất lượng môi trường, quản lý môi trường, bảo vệ và sử dụng tài nguyên môi trường, dân số, quy hoạch đô thị, nông thôn, quản trị nhân sự,…

Trong quá trình học tập ở trường đại học, bạn sẽ được truyền đạt những kiến thức chuyên sâu về môi trường, các vấn đề ô nhiễm và những thách thức đối với xã hội. Làm công việc về Chuyên ngành Địa Lý môi trường giúp bạn có cơ hội thể hiện khả năng để khắc phục những khó khăn và thách thức mà hiện trạng môi trường mang lại.

3. Chuyên ngành Địa lý kinh tế - xã hội

Như tên gọi của chuyên ngành, bạn sẽ được học các vấn đề về dân số và phát triển xã hội, phát triển nguồn nhân lực,… Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý kinh tế - xã hội, bạn sẽ có đủ điền kiện để công tác tại các tổ chức, cơ quan quản lý dân số, sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình hoặc làm công việc nghiên cứu các vấn đề dân số, các dự án phát triển hoặc chính sách liên quan đến xã hội,…

4. Chuyên ngành Địa lý du lịch

Đây là chuyên ngành có sức hút mạnh nhất trong ngành Địa lý học, là môi trường để các bạn đam mê du lịch có điều kiện học tập và làm công việc mà mình yêu thích ngay sau khi tốt nghiệp. Kỹ năng học môn địa lý du lịch tại các trường đại học sẽ giúp bạn có đủ khả năng để tổ chức, thiết kế và điều hành các tour du lịch hoặc kỹ năng hoạt náo, quản lý nhà hàng , khách sạn,…

Dĩ nhiên, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này, bạn có thể làm những công việc liên quan như: hướng dẫn viên du lịch, giảng viên chuyên ngành du lịch hoặc các công việc lễ tân, quản lý khách sạn,…

Định hướng nghề nghiệp của bộ môn Địa lý nhìn chung khá rộng và rõ ràng, cho nên các bạn sinh viên chuyên ngành này sẽ có cơ hội nghề nghiệp cao. Chính vì vậy, nếu bạn có đam mê và nguyện vọng thì ngay từ bây hãy bắt tay vào việc học. Cần chủ động tìm hiểu thêm những kiến thức bên ngoài chương trình học ở lớp, tìm hiểu phương pháp học môn Địa lý hiệu quả và cách làm bài môn địa lý để đạt thành tích cao.

Chúc các bạn thành công!

(Bài viết có sử dụng tư liệu trên facebook Khoa Địa lý Huế)

                                                                                 Người viết bài: Hoàng Phan Hải Yến