1. Quá trình xây dựng và phát triển

Năm 1959, khi Trường Đại học Vinh được thành lập mới chỉ có hai khoa Toán và Ngữ văn. Cũng từ đó, nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam cho sinh viên ngành Ngữ văn đã được đặt ra. Năm 1962, thầy Hoàng Văn Lân - cán bộ giảng dạy trẻ của khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội) được Bộ Giáo dục cử về công tác tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Thầy Hoàng Văn Lân vốn là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khoá đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng khoá với các Giáo sư danh tiếng như Hà Văn Tấn, Đặng Huy Vận và nhận được sự dìu dắt trực tiếp của GS. Đào Duy Anh. Về công tác tại khoa Ngữ văn, thầy Hoàng Văn Lân vừa giảng dạy Lịch sử Việt Nam, vừa đảm nhận nhiệm vụ chuẩn bị thành lập khoa Lịch sử.

Đứng trước yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp giáo dục ở miền Bắc, sau một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, năm 1968, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập khoa Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Vinh. Cùng với sự ra đời của Khoa, Bộ môn Lịch sử Việt Nam đã được thành lập, do thầy Hoàng Văn Lân làm Trưởng Bộ môn. Cùng với thầy Hoàng Văn Lân, các thầy, cô: Nguyễn Đình Tư, Phạm Thanh An, Đỗ Trọng Khang, Trần Văn Khánh, Đỗ Thị Ngọc Tấn trở thành những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng Bộ môn Lịch sử Việt Nam. Trên bước đường phát triển của mình, đội ngũ giảng viên Bộ môn Lịch sử Việt Nam tiếp tục được bổ sung từ các nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội và nhiều nhất là từ những sinh viên tốt nghiệp loại ưu do chính Bộ môn và khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh đào tạo.

Để xây dựng đội ngũ và nâng cao trình độ chuyên môn, Khoa và Bộ môn Lịch sử Việt Nam thường xuyên cử các giảng viên trẻ đi đào tạo ở Liên Xô, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện Sử học Việt Nam,… Tính đến năm 2008, có tới 35 cán bộ giảng dạy đã và đang công tác tại Bộ môn. Trong số đó có 3 người đã được Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh học hàm Phó Giáo sư (Hoàng Văn Lân, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Văn Tiệp), 7 người đạt học vị Tiến sĩ (Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Quang Hồng, Trịnh Thị Thuỷ, Trần Văn Thức, Trần Vũ Tài). Năm 2010, TS. Nguyễn Quang Hồng được công nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư. Năm 2012, TS. Trần Văn Thức được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Trong các năm từ 2012 đến 2016, lần lượt các nữ cán bộ trong Bộ môn cũng bảo vệ thành công luận án, gồm: Dương Thị Thanh Hải, Đặng Như Thường, Mai Phương Ngọc, Mai Thị Thanh Nga. Năm 2016, TS. Trần Vũ Tài được Nhà nước công nhận đạt chuẩn PGS. Cũng trong năm 2017, Đậu Đức Anh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Cộng hòa Pháp, trở về Bộ môn công tác. Tính đến cuối năm 2017, 100% giảng viên của Bộ môn Lịch sử Việt Nam đều có trình độ Tiến sĩ trở lên, trong đó có 03 PGS.TS.GVCC, 5 TS.

Trong 50 năm xây dựng, Bộ môn Lịch sử Việt Nam đã thật sự trưởng thành. Mỗi thành viên của Bộ môn đều đã nỗ lực, cố gắng, dành sự tâm huyết, đem hết năng lực đóng góp cho sự nghiệp trồng người cao quý. Trong sự trưởng thành của Bộ môn đã ghi đậm dấu ấn của các Trưởng Bộ môn qua các thời kỳ: Hoàng Văn Lân (1969-1989), Nguyễn Trọng Văn (1989-1995), Hồ Sỹ Huỳ (1995-2004), Trần Văn Thức (2004-2010), Nguyễn Quang Hồng (2010-2014), Mai Phương Ngọc (2014 đến nay). Với những thành tích đóng góp của mình, Bộ môn Lịch sử Việt Nam liên tục được công nhận Bộ môn Lao động tiên tiến. Nhiều giảng viên của Bộ môn đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục đào tạo, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Nhà trường công nhận Giảng viên giỏi, Chiến sĩ thi đua. Năm 2015, PGS.TS Trần Văn Thức và năm 2018, PGS.TS Nguyễn Quang Hồng được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định công nhận là những nhà khoa học có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự phát triển khoa học công nghệ của tỉnh Nghệ An. Cuối năm 2014, PGS.TS Trần Văn Thức chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và được công nhận là Nhà giáo ưu tú (2017). Năm 2017, TS. Trịnh Thị Thủy được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và trong xu thế phát triển của khoa cũng như Nhà trường, năm 2007, khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở hai mã ngành đào tạo mới là Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) và Công tác xã hội. Bộ môn Lịch sử Việt Nam đảm nhận chính việc mở mã ngành Việt Nam học. Một số cán bộ của Bộ môn được chuyển sang làm nòng cốt cho bộ môn này.

Sau đây là danh sách các giảng viên đã từng công tác ở Bộ môn Lịch sử Việt Nam:

1. Hoàng Văn Lân
2. Nguyễn Đình Tư
3. Trần Văn Khánh 
4. Đỗ Trọng Khang
5. Phan Huy Ngạn
6. Chu Văn Thông
7. Phạm Trí Sính
8. Doãn Huy Thục
9. Hoàng Thị Nhạc
10. Phan Thu Lạc
11. Nguyễn Văn Tiệp
12.Trần Dong
13. Đặng Ngọc Anh    
14. Hồ Sỹ Hùy 
15. Lê Quyên

16. Lê Đức Thảo
17. Nguyễn Đình Lộc
18. Hoàng Quốc Tuấn
19. Phan Trọng Sung
20. Nguyễn Đôn Quế
21. Phan Đình Bưởi
22. Nguyễn Trung Vân
23. Trần Thanh Quang
24. Trần Xuân Tĩnh
25. Nguyễn Khắc Thắng
26. Trịnh Thị Thuỷ
27. Trần Văn Thức
28. Nguyễn Thị Bình Minh

Và đây là danh sách các giảng viên đang công tác tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam, tính đến tháng 6/2018:

1. PGS.TS.GVCC.Nguyễn Trọng Văn

2. PGS.TS.GVCC.Trần Vũ Tài

3. TS Dương Thị Thanh Hải

4. TS.Mai Thị Thanh Nga

5. PGS.TS.GVCC.Nguyễn Quang Hồng

6. TS.Đặng Như Thường

7. TS.Đậu Đức Anh

8.  TS.Mai Phương Ngọc.


Trong 50 năm xây dựng và phát triển của Bộ môn Lịch sử Việt Nam, nhiều cán bộ của Bộ môn đã vĩnh viễn ra đi, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho bao người thân, bè bạn, đồng nghiệp và học trò, đó là các thầy: Hoàng Văn Lân, Phan Huy Ngạn, Nguyễn Đình Lộc, Lê Quyên, Trần Thanh Quang, Nguyễn Trung Vân.

2. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Đào tạo và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính của các giảng viên đại học. Là một trong những Bộ môn nòng cốt của Khoa, Bộ môn Lịch sử Việt Nam luôn đảm nhận nhiệm vụ chủ yếu về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đối với bậc đào tạo đại học, Bộ môn Lịch sử Việt Nam đã đảm nhận giảng dạy các học phần chuyên môn như sau:

- Các học phần chung: giảng dạy toàn bộ học phần Tiến trình Lịch sử Việt Nam và tham gia giảng dạy học phần Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam; tham gia giảng dạy học phần Địa phương học.

- Giảng dạy các học phần của Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến nay, các chuyên đề Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên ngành lịch sử.

- Tham gia giảng dạy một số học phần cho ngành Việt Nam học, Quản lí văn hóa.

- Đảm nhận việc dạy các học phần của Lịch sử Việt Nam cho sinh viên hệ vừa làm vừa học ngành Sư phạm Lịch sử, ngành Sư phạm Văn - Sử và học phần Lịch sử Việt Nam đại cương cho ngành Tiểu học, Mầm non tại các địa phương.

- Tham gia thỉnh giảng các học phần Lịch sử Việt Nam cho một số cơ sở đào tạo đại học khác.

Sự kiện đáng chú ý đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Bộ môn là năm 1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Vinh đào tạo Cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Tính đến năm học 2017, ngoài đào tạo tại trường, chuyên ngành sau đại học Lịch sử Việt Nam đã được mở ở Đại học Đồng Tháp, Đại học Sài Gòn và Đại học Hồng Đức với hàng trăm học viên đã hoàn thành khóa học và nhận học vị Thạc sĩ Lịch sử. Các giảng viên có học vị Tiến sĩ của Bộ môn đã đảm nhận việc giảng dạy các chuyên đề chung và các chuyên đề chuyên ngành. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Bộ môn Lịch sử Việt Nam chính thức tuyển sinh, đào tạo nghiên cứu sinh Tiến sĩ và đã có 09 Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp trường (Mai Thị Thanh Nga, Đỗ Thị Mỹ Hiền, Trần Thị Ánh, Trần Văn Đại Lợi, Võ Văn Thật, Kiều Lê Công Sơn, Lê Quang Cần, Võ Thị Hoài Thương, Trần Hữu Thắng).

Cùng với việc đảm nhận khối lượng giờ dạy lớn, Bộ môn luôn tạo điều kiện cho các giảng viên bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Việc dự giờ các giảng viên giỏi để rút kinh nghiệm, các cán bộ trẻ để góp ý, thực hiện sinh hoạt chuyên môn được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, bên cạnh công tác giảng dạy, Bộ môn còn chịu trách nhiệm chính trong việc đưa sinh viên sư phạm đi thực tế hiện trường lịch sử.

Đến nay, Bộ môn đã hoàn thành việc biên soạn một số giáo trình nội bộ gồm: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 938; Lịch sử Việt Nam từ năm 938 đến năm 1858; Lịch sử Việt Nam cận đại; Lịch sử Việt Nam hiện đại; Các khuynh hướng chính trị trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ X; Lịch sử Việt Nam cổ trung đại... Năm 2017, Bộ môn đã hoàn thành biên soạn và xuất bản cuốn giáo trình Tiến trình lịch sử Việt Nam, do Nxb Trường Đại học Vinh ấn hành. Ngoài ra, một số cán bộ của Bộ môn còn phối hợp với các cán bộ của khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn các chuyên đề lịch sử Việt Nam và giáo trình Lịch sử Việt Nam cận đại.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ môn xác định mục tiêu không chỉ nghiên cứu những vấn đề của lịch sử đất nước, mà tập trung nghiên cứu mảng lịch sử địa phương nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bắc miền Trung. Tính đến hết năm 2017, các giảng viên của Bộ môn đã chủ trì và tham gia 03 đề tài NCKH cấp Nhà nước, 11 đề tài cấp Bộ, 08 đề tài cấp Tỉnh và hàng chục đề tài cấp Trường; công bố hàng trăm bài báo trên các tạp chí nghiên cứu trung ương và địa phương, kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia; xuất bản hàng chục đầu sách tham khảo, chuyên khảo và giáo trình. Đặc biệt, Bộ môn Lịch sử Việt Nam đã đảm nhận chính việc chủ trì, triển khai dự án biên soạn và xuất bản bộ Lịch sử Nghệ An. Bộ sách được xuất bản năm 2012 được đánh giá là công trình có ý nghĩa to lớn, là sự kiện tiêu biểu trên lĩnh vực khoa học công nghệ của tỉnh. Ngoài ra, hiện nay, một số cán bộ của Bộ môn đang tham gia Đề án biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Đây là công trình Quốc sử có qui mô lớn nhất từ trước đến nay với 25 tập, qui tụ sự tham gia của đông đảo các nhà sử học tiêu biểu trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ môn Lịch sử Việt Nam đã chủ trì thành công một số Câu lạc bộ Sử học mang tính học thuật và Hội thảo khoa học như:

- Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương”, tổ chức năm 2002;

- Câu lạc bộ sử học: “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, tổ chức tháng 5/2004;

- Câu lạc bộ sử học: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh - 75 năm trên những chặng đường”, tổ chức tháng 2/2005;

- Hội thảo khoa học: “50 năm Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An (1957 - 2007)”, tổ chức tháng 12/2007;

- Hội thảo khoa học: “Mai Thúc Loan với Khởi nghĩa Hoan Châu” (11/2008);

- Hội thảo khoa học: “Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (2011);

- Hội thảo: “Thanh - Nghệ - Tĩnh với chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ” (2014).

Có thể nói, với sự nỗ lực của từng thành viên, Bộ môn Lịch sử Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển của khoa Lịch sử, cũng như đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Trường Đại học Vinh.

LSVN