Trung
tuần tháng 5/2020 vừa qua, bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học Ngữ văn, ngành
Ngữ văn do TS. Lê Hồ Quang chủ trì đã tiến hành seminar về đặc điểm sách giáo
khoa Ngữ văn của Mỹ (khảo sát cuốn Literature
do nhà xuất bản Mc Dougal Littell ấn hành năm 2008). Nội dung seminar gồm
hai phần:
- Đặc điểm cuốn Literature 6 do ThS. Đặng Hoàng Oanh thuyết trình và giới thiệu
- Đặc điểm cuốn Literature 10 do ThS. Nguyễn
Thị Xuân Quỳnh thuyết trình và giới thiệu.
Tham dự seminar gồm có tất cả các thành viên của bộ môn
cùng hầu hết các giảng viên trẻ ngành Sư phạm Ngữ văn. Đây là một hoạt động thường
kỳ nằm trong chuỗi sinh hoạt chuyên môn nhằm giới thiệu các lý thuyết và công
trình nghiên cứu hiện đại trong lĩnh vực đổi mới giáo dục cũng như các thành tựu
giáo dục của các nước tiên tiến hiện nay trên thế giới.
Ảnh
1: Cuốn Literature 10, NXB Mc Dougal Littell
Tại seminar, các báo cáo viên đã trình bày các nội dung
cơ bản xoay quanh nội dung, đặc điểm và các nguyên tắc kết cấu của bộ sách Literature. Sau phần giới thiệu tổng
quan về sách giáo khoa Ngữ văn tại Mỹ, người thuyết trình luân phiên trình bày
và phân tích bố cục, cấu trúc của hai cuốn Literature
6 và Literature 10, thuộc chương
trình Ngữ văn đầu cấp của bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Nội dung
thuyết trình tập trung làm rõ các đặc điểm và nguyên tắc thuộc về xây dựng
chương trình như: nguyên tắc tích hợp và phát triển, nguyên tắc người học là
trung tâm và phát triển năng lực, nguyên tắc tiếp cận thể loại… Ở phần thảo luận,
các thành viên tham gia đã cùng thảo luận và trao đổi trên cơ sở so sánh và
liên hệ giữa đặc điểm của bộ sách giáo khoa Literature
với những điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 và định
hướng cách tiếp cận đối với sách giáo khoa Ngữ văn mới tại Việt Nam trong thời
gian tới đây.
Ảnh
2: ThS. Đặng Hoàng Oanh trình bày báo cáo về cuốn Literature 6
Ảnh
3: ThS. Nguyễn Thị Xuân Quỳnh trình bày báo cáo về cuốn Literature 10
Seminar đã diễn ra nghiêm túc và sôi nổi, thúc đẩy tinh
thần trao đổi học thuật cởi mở và hiệu quả. Trong bối cảnh Chương trình giáo dục
phổ thông tổng thể 2018 đang từng bước được thực thi, nội dung seminar của bộ
môn Lý luận và PPDH Ngữ văn đã nắm bắt và theo sát với những nhu cầu thực tiễn
trong việc tiếp cận sâu đối với mô hình giáo dục theo định hướng phát triển
năng lực học sinh. Kết quả thảo luận tại seminar được các giảng viên tiếp thu
và dự kiến sẽ chuyển hóa tích cực trong quá trình xây dựng chương trình tập huấn
về chương trình và sách giáo khoa cho giáo viên phổ thông tới đây theo chủ
trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bài và ảnh: Xuân Quỳnh