Tham dự buổi tọa đàm có các cán bộ, giảng viên, sinh viên Ngành Sư phạm Ngữ văn, Viện SPXH. Báo cáo viên là TS. Đặng Lưu - nguyên giảng viên Viện Sư phạm Xã hội Trường Đại học Vinh và cô giáo Trần Thị Thúy Quỳnh - giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Diễn Châu 2. Đây là hoạt động thường niên của ngành nhằm trang bị những tri thức và kinh nghiệm cần thiết cho sinh viên trước kì thực tập sư phạm tại các trường phổ thông.
Tại buổi tọa đàm, cô giáo Trần Thị Thúy Quỳnh đã có những chia sẻ rất thiết thực về kinh nghiệm khi đi thực tập sư phạm tại trường phổ thông. Hầu hết những băn khoăn của sinh viên xoay quanh những vấn đề như công tác thực tập giảng dạy, công tác chủ nhiệm các hoạt động khác tại trường phổ thông... đều được giải đáp. Với kinh nghiệm của của một giáo viên từng hướng dẫn nhiều thế hệ giáo sinh thực tập, cô Thúy Quỳnh khẳng định: Để đảm bảo mục tiêu của học phần Thực tập sư phạm trong thời gian 2 tháng, thực tập sinh sẽ được trải nghiệm tất cả các hoạt động giáo dục tại trường phổ thông như một giáo viên thực thụ. Ở đó, dưới sự định hướng của nhà trường và giáo viên hướng dẫn, thực tập sinh được phân công công tác chủ nhiệm tại một lớp học; được giảng dạy 8 tiết/2 tháng và tổ chức cho HS hoạt động tập thể theo yêu cầu của nhà trường. Ngoài ra, các hoạt động dự giờ, thăm lớp, thăm gia đình HS và tìm hiểu văn hóa địa phương cũng là nội dung quan trọng mà cô giáo Thúy Quỳnh chia sẻ nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất cho nhiệm vụ thực tập của sinh viên.
Cô Trần Thị Thuý Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm thực tập với SV
Cũng tại buổi toạ đàm, giảng viên, sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn còn được TS. Đặng Lưu trao đổi những thông tin hữu ích về chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn. Với tư cách là một trong những người tham gia biên soạn sách giáo khoa hiện nay, TS Đặng Lưu chia sẻ những cái khó nhất định của việc làm SGK và lưu ý cho SV những điểm mới của CTGDPT mà các em cần phải nắm vững. CTGDPT mới được đưa vào vận hành đã hiện thực hóa Nghị quyết số 29, ngày 4 tháng 11 năm 2013 của BCH Trung ương Đảng. Theo thầy Đặng Lưu, thực hiện CTGDPT mới, người dạy cần nắm rõ điểm mới của CT, nhất là mục tiêu cần đạt, hơn thế nữa phải chú ý “cài” được tất cả YCCĐ vào các bài dạy. Tiếp đó là chọn nội dung dạy/ văn bản dạy. Thầy cho biết: soạn SGK cũng như dạy học, việc lựa chọn nội dung dạy cần đảm bảo tiêu chí vừa sức và mang tính giáo dục.Toàn bộ hệ thống kiến thức trong phần nội dung dạy học là cơ sở cho việc hình thành và phát triển các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đáp ứng được các yêu cầu cần đạt cả về phẩm chất và năng lực. Do đó, điều quan trọng, người dạy cần phải tổ chức đồng bộ các hoạt động đọc, viết, nói và nghe nhằm hạn chế tình trạng dạy “lí thuyết suông”, trang bị kiến thức chỉ để biết mà không gắn với các hoạt động rèn luyện kĩ năng giao tiếp và vận dụng vào thực tiễn.
TS Đặng Lưu phát biểu tại buổi toạ đàm
Phát biểu tại buổi toạ đàm, TS Lê Hồ Quang cám ơn các báo cáo viên và cho rằng đây là hoạt động bổ ích, thiết thực cho sinh viên đối với rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và rất cần thiết cho giảng viên trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tin bài: Lưu Thị Trường Giang