1. Khát quát về trường Đại học Vinh và ngành Giáo dục Chính trị

Trường Đại học Vinh được thành lập năm 1959, là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, luôn hướng tới sự thành đạt của người học. Tương lai, Trường Đại học Vinh hướng tới trở thành trường Đại học trọng điểm quốc gia, thành viên của Mạng lưới các trường đại học ASEAN.

Quy mô đào tạo các ngành của trường hiện nay là 20.492 người học, trong đó Tiến sĩ: 120; Thạc sĩ: 3077; Đại học chính quy: 12743; Đại học vừa làm vừa học và từ xa: 4552. Năm học 2019, điểm trúng tuyển vào trường Đại học Vinh cao nhất là 26.5. Năm 2020, điểm trúng tuyển cao nhất là 28.0, phổ điểm tập trung nhiều nhất trong khoảng 15-18 điểm. Một số ngành có điểm trúng tuyển cao như: Giáo dục Mầm non; Giáo dục Thể chất, Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Vật lí, Sư phạm Hoá học

Trường Đại học Vinh được đánh giá là cơ sở giáo dục đại học có cơ sở vật chất vào tốp đầu của cả nước. Hệ thống phòng học được trang bị đầy đủ tiện nghi cho giảng dạy và học tập, bao gồm Hội trường, giảng đường, phòng học, phòng học đa năng, thư viện, trung tâm học liệu, Trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập … đều được trang bị rất tiện nghi và hiện đại. Nhà trường trang bị 04 không gian học tập có đầy đủ máy tính kết nối mạng cho sinh viên tự học. Hệ thống phòng thí nghiệm được quy hoạch phù hợp với các ngành đào tạo theo tiếp cận CDIO, trang thiết bị hiện đại được bổ sung thường xuyên. Các phòng 05 phòng thí nghiệm chuyên sâu cho các ngành thuộc nhóm kỹ sư và khoa học sự sống.

Khoa Giáo dục Chính trị được thành lập từ năm 1986, từ 2018 đến nay là Ngành Giáo dục Chính trị thuộc Viện Sư phạm Xã hội – trường Đại học Vinh. Trong 35 năm hình thành và  phát triển, ngành Giáo dục chính trị (GDCT) đang ngày càng khẳng định năng lực đào tạo, khẳng định vị trí, chất lượng thương hiệu trường Đại học Vinh. 

 

(Ảnh: Đội ngũ Cán bộ GV ngành Giáo dục chính trị)

Để thực hiện nhiệm vụ, trọng trách đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ giáo viên chất lượng cao, ngành Giáo dục chính trị, trường Đại học Vinh luôn quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy của ngành có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với ngành nghề. Nhiều cán bộ của Giáo dục chính trị đã học tập, nâng cao trình độ đạt các học vị cao, được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư, được nhận nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý khác. 

2. Cơ hội khi theo học ngành Giáo dục chính trị hiện nay

 

(Ảnh: Tổ bộ môn Phương pháp dạy học)

Trước đây, môn Giáo dục Công dân chỉ được xem là môn học phụ, không được nhà trường và xã hội quan tâm đúng mức, không phải là môn thi tốt nghiệp. Từ năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa môn Giáo dục Công dân vào kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia. Nhiều trường đại học, cao đẳng lấy điểm thi tốt nghiệp, điểm học tập môn Giáo dục Công dân làm điểm xét tuyển trong tuyển sinh cho nhiều ngành nghề. Điều đó nói lên tầm quan trọng của bộ môn đối với quá trình đào tạo, bồi dưỡng những công dân có ích cho xã hội, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời đã làm thay đổi cách nhìn của rất nhiều người về vị trí, vai trò của môn giáo dục công dân và giáo viên dạy môn giáo dục công dân.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học phổ thông được đổi thành Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là trang bị cho học sinh phổ thông kiến thức cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; Gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật được đưa vào giảng dạy sau năm 2020.

Thực tế hiện nay, giáo viên được đào tạo chính quy, đủ trình độ giảng dạy môn GDCD, GD kinh tế và pháp luật ở các trường phổ thông còn thiếu. Rất nhiều giáo viên các môn văn, sử, địa kiêm nhiệm giảng dạy GDCD. Do vậy, cơ hội việc làm còn đang rất rộng mở cho sinh viên theo học ngành Giáo dục chính trị.

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ngành GDCT, trường Đại học Vinh có năng lực giảng dạy môn Giáo dục công dân ở các trường trung học cơ sở, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở các trường trung học phổ thông; giảng dạy môn chính trị ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; giảng dạy môn lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học, trường chính trị cấp tỉnh; làm việc trong các cơ quan quản lý giáo dục; làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.

3. Thông tin để các bạn đăng kí vào học ngành Giáo dục Chính trị, trường đại học Vinh

Stt

Tên ngành

Mã ngành

Chỉ tiêu

Các tổ hợp môn xét tuyển

Xét KQ

thi THPT

Phương thức khác

Giáo dục Chính trị

7140205

100

50

C00

D01

C19

C20


(Ảnh: Sinh viên tham gia các buổi sinh hoạt học thuật cùng với các thầy cô)

Với tình yêu, niềm tin được nuôi dưỡng, thắp sáng ước mơ trở thành nhà giáo của các em học sinh, trường Đại học Vinh sẵn sàng đón chào tất cả các bạn học sinh thân yêu! Đến với chuyên ngành cử nhân Giáo dục chính trị - Viện Sư phạm Xã hội - Trường ĐHV bạn sẽ được đón nhận nhiều cơ hội mới, môi trường rèn luyện sáng tạo, thắp sáng niềm tin, tôn trọng sự khác biệt, nuôi dưỡng say mê học tập và kiến tạo tương lai tươi sáng! Bạn hãy tự tin lựa chọn ngành Giáo dục chính trị để trở thành những giáo viên đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo của Việt Nam và hội nhập quốc tế!

Ths Nguyễn Thị Kim Thi

Viện Sư phạm Xã hội – Trường Đại học Vinh