Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định số 1063/QĐ/BGD&ĐT-ĐH
ngày 21/3/2000 cho phép Trường Đại học Vinh đào tạo và cấp bằng cử nhân ngành
sư phạm Địa lí. Năm 2003, khoa Địa lí được thành lập theo Quyết định số
2170/QĐ-TCCB-ĐN ngày 04/12/2003 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh. Năm 2014, Khoa Địa lí được phép đào tạo cao
học chuyên ngành Địa lí học. Năm 2018, ngành Sư phạm Địa lí cùng với các ngành Văn, Sử, GDCT sáp
nhập thành Viện Sư phạm Xã hội của Trường Đại học Vinh. Trải qua 20 năm xây dựng và
trưởng thành, ngành Sư phạm
Địa lí đã đào tạo trên 800 cử nhân và gần 100 thạc sĩ, khẳng định
được vị thế của mình đối với sự phát triển của Nhà trường và xã hội.
Ngành đảm nhận đào tạo cử nhân sư phạm Địa lí (mã ngành 7140219) và thạc sĩ
chuyên ngành Địa lí học (8310501). Các tổ hợp xét tuyển đại học chính quy ngành
sư phạm Địa lí gồm: C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí), C04 (Ngữ văn, Toán học, Địa
lí), C20 (Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục công dân) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng
Anh).
Hiện tại, đội ngũ cán bộ của ngành có 14 giảng viên: gồm 01 PGS, 08 TS và
05 ThS (trong đó có 01 nghiên cứu sinh nước ngoài và 02 nghiên cứu sinh trong
nước).
Ảnh 1. Đội ngũ giảng viên
ngành SP Địa lí
Tính đến năm 2020, ngành Địa lí đào tạo đại học chính quy đã có 16 khoá ra trường với tổng
số sinh viên tốt nghiệp trên 800 sinh viên và đã có 03 khoá thạc sĩ Địa lí học tốt nghiệp ra trường trên 80 học viên. Mục tiêu của ngành là đào tạo giáo viên
Địa lí có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm giảng dạy địa lí ở các trường phổ thông,
đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam; người công dân
tốt, người giáo viên trung thực và sáng tạo vì sự nghiệp giáo dục thế hệ tương
lai; có bản lĩnh, ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, Tổ quốc và
cộng đồng quốc tế. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo - được thiết kế
trong thời gian tương ứng 4 năm học, người học có khả năng tự học, tự nghiên
cứu hoặc học lên nhằm đạt được những trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), tiếp
tục đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực du lịch, tài nguyên
môi trường, các Viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất liên quan đến lĩnh vực
địa lí; có năng lực để giảng dạy, làm việc tại các trường phổ thông cũng như
các trường cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục.
Để
thực hiện mục tiêu đào tạo như trên, chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Địa lí, ngoài những môn học có tính bắt buộc như ngoại ngữ, tin học thì các môn
học thuộc khối kiến thức chuyên ngành sẽ giúp các bạn tiếp nối đam mê, nghiên
cứu chuyên sâu về khoa học địa lí mà các em đã được học những kiến thức cơ bản ở
trường phổ thông. Các môn học thuộc chuyên ngành địa lí tự nhiên như: Địa lí tự nhiên đại cương (nghiên cứu về Trái
Đất và Vũ Trụ, các thành phần tự nhiên và các quy luật chung của lớp vỏ cảnh
quan), Địa lí tự nhiên các lục địa, Địa lí tự nhiên Việt Nam, Địa lí địa phương… Các môn học chuyên ngành kinh tế -
xã hội như Địa lí kinh tế - xã hội đại cương, Địa lí kinh tế - xã hội thế giới, Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam,… Chương trình cũng trang bị cho người học
phương pháp, công cụ nghiên cứu chuyên ngành qua các môn Bản đồ đại cương, Bản
đồ giáo khoa, Hệ thống thông tin địa lí (GIS), Ứng dụng công
nghệ thông tin trong nghiên cứu và giảng dạy địa lí,… Khối kiến thức lý luận và dạy học bộ môn như Lý luận dạy học Địa lí, Phương pháp dạy học Địa lý,…để hình thành và phát triển năng lực giáo
viên Địa lý đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà.
Trong
hành trình kết nối đam mê khám phá và ước mơ trở thành giáo viên địa lý, sinh
viên sẽ được trải nghiệm, học hỏi từ thực tế qua các chuyến đi thực địa ngắn
ngày hay dài ngày. Hành trình khám phá nét độc đáo của các thể tổng hợp lãnh
thổ tự nhiên qua tuyến thực địa Nghệ An - Quảng Bình, Nghệ An - Ninh Bình (thuộc môn học Thực địa Địa lý tự nhiên có trong
chương trình đào tạo); nhận diện tiềm năng, thực trạng của các hoạt động kinh tế - xã hội qua tuyến thực địa Nghệ An - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam (thuộc môn
học Thực địa địa lý kinh tế - xã hội). Việc học tập gắn kết giữa lý thuyết với
thực tiễn không những giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn nội dung kiến thức, cung
cấp những ví dụ thực tế sinh động, là hoạt động học tập thú vị, bổ ích mà còn
là cơ hội trải nghiệm tuyệt vời để phát triển bản thân, rèn luyện bản lĩnh cho
các nhà địa lí, góp phần hình thành tác phong học tập và
làm việc.
Ảnh 2. Một
hoạt động thực địa của sinh viên ngành SP Địa lí
Các hoạt động rèn luyện nghiệp
vụ sư phạm để hình thành, phát triển năng lực giáo dục, để trở thành các giáo
viên địa lý được thực hiện thường xuyên, sôi nổi và có hiệu quả trong suốt quá
trình đào tạo. Hàng năm, nhà trường và Viện phối hợp tổ chức Tháng rèn luyện
nghiệp vụ sư phạm và Hội thi rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Các
hoạt động rèn luyện nghiệp vụ được tổ chức đa dạng như giao lưu trao đổi kinh
nghiệm kiến tập, thực tập sư phạm; Thực hành giảng dạy (tập giảng); Thi thiết
kế đồ dùng dạy học tự làm trong dạy học Địa lý; Thi thiết kế giáo án; Xử lý
tình huống sư phạm,… Đây là
hoạt động truyền thống và là thế mạnh của trường Đại học Vinh nói chung, Viện
Sư phạm Xã hội nói riêng trong quá trình đào tạo sư phạm. Hoạt động thường niên
này trở thành môi trường, sân chơi cho sinh viên ngành sư phạm Địa lí rèn luyện, vươn tới ước mơ nhà giáo.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học
cũng được chú trọng cho sinh viên thực hiện trong quá trình đào tạo. Sinh viên
được thử sức với các đề tài, hướng nghiên cứu trong lĩnh vực địa lí với các mức
độ khác nhau: bài tập lớn, đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, đề tài nghiên
cứu khoa học dự thi cấp trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học thúc đẩy sáng
tạo, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu của sinh viên, đồng thời là cơ hội để sinh
viên vận dụng kiến thức chuyên ngành, các phương pháp, công cụ nghiên cứu khoa
học cho các đề tài cụ thể. Từ đó, phát triển khả năng nghiên cứu độc lập, phát
triển năng lực tự học suốt đời, đáp ứng yêu cầu tự nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên
môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc sau khi ra trường.
Với mục tiêu đào tạo và các
hoạt động đào tạo như trên, sinh viên ngành sư phạm Địa lý sau khi ra trường có
cơ hội làm việc và khẳng định bản thân trong các vị trí: giảng dạy địa lí tại
các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong cả nước; giảng dạy địa lí tại các trường đại học và
cao đẳng trong cả nước nếu đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về trình độ và năng lực
cao hơn; nghiên cứu tại các
trung tâm, khí tượng thủy văn, địa chính, khoa học xã hội và nhân văn, viện
nghiên cứu giáo dục; chuyên viên và quản lý tại các bộ phận ở các trường học,
các cơ sở quản lý giáo dục, các cơ sở khác phù hợp với chuyên môn như du lịch,
địa chính... Trên chặng đường chưa dài, song ngành Sư phạm Địa lí đã góp
thêm sự da dạng, khẳng định uy tín, chất lượng và thương hiệu đào tạo của
trường Đại học Vinh trên bản đồ đào tạo giáo viên của đất nước.
Ảnh 3. Giảng viên, sinh viên
ngành SP Địa lí trong
buổi lễ tri ân, tổng kết
khóa học
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Việt Hà