“Những quan điểm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận”. Nội dung semiar do giảng viên, TS. Bùi Thị Cần trình bày.

Nhằm hướng tới kỉ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/10/1949 – 15/10/2019), ngày 8/10/2019, Tổ Lý luận Phương pháp dạy học Chính trị và Tư tưởng Hồ Chí Minh tổ chức Seminar khoa học với chủ đề: “Những quan điểm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận”. Nội dung semiar do giảng viên, TS. Bùi Thị Cần trình bày.

    

 

Nội dung bài viết bao gồm sự khái quát những quan điểm cơ bản nhất của Hồ Chí Minh về công tác dân vận (cơ sở của công tác dân vận, các phương pháp dân vận…) được nêu trong tác phẩm và quá trình vận dụng những quan điểm đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Theo đó, nội dung được nhấn mạnh trong báo cáo là: Trong tác phẩm “Dân vận” gồm 4 mục, đăng báo Sự Thật ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tiền đề, cơ sở có tính chất quyết định trong công tác dân vận chính là vì: “Nước ta là nước dân chủ”. Các cơ quan công quyền không được đặc quyền, đặc lợi, chỉ có một mục tiêu là phục vụ nhân dân và “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh (…) Muốn được dân yêu mến, muốn được lòng dân trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có tinh thần chí công vô tư”. Trong mục II, trả lời câu hỏi: “Dân vận là gì?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Đó chính là việc tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân (mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng) vào các phong trào cách mạng. Trong mục thứ III, “Ai phụ trách dân vận?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lực lượng làm công tác dân vận là: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách Dân vận”. Mục IV, “Dân vận phải thế nào?” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra, chỉ rõ; đó chính là phương pháp dân vận với những yêu cầu rất cụ thể, được đúc kết bằng 12 từ. Theo đó, những người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, chứ không phải “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Các phương pháp dân vận được Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm “Dân vận”, trong đó phương pháp cơ bản nhất là “dân vận khéo”. Hồ Chí Minh đã dạy: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.” Người nhắc nhở cán bộ làm công tác dân vận phải luôn coi trọng nhân dân và đánh giá cao vai trò của nhân dân trong hoạt động cách mạng.

Bên cạnh việc nêu lên nội dung cơ bản trong tác phẩm, báo cáo cũng phân tích, làm rõ quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Mình về dân vận trong giai đoạn hiện nay, từ đó nêu những nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm để công tác dân vận đạt hiệu quả tốt nhất.

TS. Bùi Thị Cần trình bày báo cáo

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên trong tổ bộ môn đã có những ý kiến nhận xét và góp ý. Theo TS Phan Văn Tuấn, cần bổ sung phương châm công tác dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh cần tiếp tục được vận dụng trong bối cảnh hiện nay: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.” Ngoài ra, khó khăn trong công tác dân vận hiện nay là tạo dựng niềm tin của nhân dân, do vậy công tác dân vận cần củng cố tăng cường được niềm tin cho nhân dân. ThS Hoàng Thị Nga cho ý kiến về phương pháp dân vận, phải thay đổi phương thức dân vận trong thời kì cách mạng 4.0, thải độc luồng thông tin không chính thống, minh bạch hóa thông tin một cách đầy đủ, chính xác trong công tác dân vận. ThS Nguyễn Thị Kim Thi và ThS Nguyễn Thị Kim Chi nêu lên những đánh giá, nhận xét về quá trình giảng dạy thực tế môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sinh viên. Những thuận lợi và khó khăn trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, trong công tác chính trị, tư tưởng cho sinh viên, qua đó giúp các em hiểu thêm công tác dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các thành viên trong tổ bộ môn tham gia đóng góp ý kiến

Cuối buổi seminar, TS Bùi Thị Cần đã tổng kết, đưa ra những kết luận khoa học từ báo cáo, trên tinh thần chung là vận dụng được những tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong thực tiễn giảng dạy và công tác của tất cả các giảng viên, các cán bộ làm công tác dân vận cũng như đối với sinh viên.

Tin, bài và ảnh: ThS. Nguyễn Thị Kim Thi