Chẳng hạn, sau khi học xong các phần lý thuyết của môn Hệ thống các phương pháp dạy học lịch sử, sinh viên được rèn luyện sử dụng các phương pháp dạy học trong một bài cụ thể. Tương tự như vậy, sinh viên thực hành tổ chức một tiết lên lớp khi học môn Các hình thức tổ chức dạy học lịch sử hay rèn luyện kỹ năng xác định kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa Lịch sử khi học tập môn Chương trình và sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông.
Vào học kỳ 5, sinh viên được trải nghiệm thực tế ở trường phổ thông trong một tháng để hoàn thành môn học Kiến tập sư phạm. Mục đích, yêu cầu của môn học này là giúp sinh viên làm quen với công tác chủ nhiệm lớp, nắm bắt tình hình hoạt động của trường phổ thông, dự giờ, thăm lớp và các hoạt động giáo dục khác. Tuy thời gian không nhiều, nhưng đợt thực hành này đã để lại cho sinh viên những ấn tượng sâu sắc, những kỷ niệm khó quên, vì lần đầu tiên trong đời được các em học sinh gọi mình là “thầy giáo”, “cô giáo”.
Môn học Thực hành phương pháp dạy học lịch sử được bố trí ở học kỳ 7 với thời lượng 2 tín chỉ. Đây là môn học mà sinh viên cần phải vận dụng tất các kiến thức, kỹ năng để thực hiện một tiết lên lớp hoàn chỉnh. Lớp được chia thành nhiều nhóm nhỏ có giáo viên hướng dẫn, nhận xét, đánh giá. Kết thúc môn học, các nhóm cử đại diện tham dự buổi thao giảng - một hoạt động rất hào hứng, sôi nổi, lôi cuốn nhiều giảng viên và đông đảo sinh viên tham gia.
Học kỳ 8 (năm thứ tư) gần như dành toàn bộ thời gian để sinh viên hoàn thành môn Thực tập sư phạm ở trường phổ thông. Nội dung chủ yếu của môn học này là rèn luyện kỹ năng giảng dạy trong thực tế trường phổ thông. Những đợt thực tập sư phạm ở các trường phổ thông tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định… đã để lại những kỷ niệm khó phai mờ trong trong tâm trí nhiều thế hệ sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Vinh.
Ngoài các môn học được quy định trong chương trình, hàng năm Khoa và Nhà trường còn tổ chức các Hội thi Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm lôi cuốn tất cả sinh viên ngành Sư phạm trong toàn trường tham gia. Các phần thi như Chào hỏi, Hiểu biết sư phạm, Xử lý tình huống sư phạm, Hùng biện, Thiết kế hoạt động giáo dục, Thiết kế đồ dùng dạy học, Thi giảng đầy hấp dẫn nhưng cũng không kém phần gay cấn không chỉ giữa các đội thi mà còn giữa các nhóm cổ động viên.
Sau đây là một số hình ảnh về hoạt động rèn nghề của sinh viên khoa Lịch sử :