Ngày 20 và 21/9/2018, tại Ninh Bình, Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) tổ chức Hội thảo góp ý thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên ban hành kèm theo thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm thu nhận những ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung, phản biện cho dự thảo mới này để Thông tư sửa đổi, cập nhật những điểm mới phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tính pháp lí, tính khoa học, tính thực tiễn và phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý trong hoạt động BDTX trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ GV&CBQL, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là hội thảo nối tiếp hội thảo tại TP Vinh, Nghệ An vào ngày 12-13/7/2018 để thu thập thông tin, ý kiến đóng góp, đề xuất của các nhà khoa học, CBQL & GV trực tiếp quản lý, giảng dạy tại địa phương, trường phổ thông, mầm non và của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, từ đó Ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT.
Tham dự Hội thảo có TS Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Th.S Lý Thị Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, TS Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Chương trình ETEP và đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT và gần 200 đại biểu là cán bộ các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng và giáo viên các trường phổ thông thuộc 25 Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo, chuyên viên của 8 trường sư phạm chủ chốt tham gia ETEP và Đại học Giáo dục.
TS Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Đoàn đại biểu đại diện cho Trường Đại học Vinh – 1 trong 8 trường sư phạm chủ chốt tham gia ETEP gồm TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Trưởng khoa Giáo dục và TS.Tăng Thị Thanh Sang, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm Nhà trường.
Đại biểu đến từ Đại học Vinh.
Hội thảo gồm 2 phiên: Phiên thảo luận chung và phiên thảo luận tiểu ban. Trong phiên thảo luận chung, các đại biểu nghe các báo viên trình bày các báo cáo: “Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hình thức qua mạng: từ vấn đề lý luận và thực tiễn đến chính sách quản lý” (PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), “Ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và xây dựng học liệu bài giảng điện tử” (TS Phạm Văn Hải- chuyên gia tư vấn Chương trình ETEP), “Cơ chế phối hợp trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” (Hoàng Thị Lý, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hoà), “Những điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế bồi dưỡng thường xuyên” (TS Phạm Tuấn Anh-Trưởng phòng, Cục NG&CBQLGD)…
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tại các phiên thảo luận, địa diện Trường Đại học Vinh cũng đã có ý kiến về nhiều vấn đề liên quan đến công tác bồi dưỡng thường xuyên như: Những quy định về xây dựng tài liệu, học liệu số cũng như cách thức tổ chức, đánh giá kết quả bồi dưỡng qua mạng như thế nào để đảm bảo hiệu quả, trong khi trình độ, năng lực sử dụng CNTT của các GV& CBCBQL khác nhau và điều kiện của mỗi cá nhân, địa phương cũng khác biệt; Vai trò, trách nhiệm, sự phối kết hợp của bên liên quan, từ cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đến đơn vị sử dụng đội ngũ, từ cơ quan quản lý cấp trung ương đến địa phương, sở/phòng GD&ĐT, nhà trường cho đến mỗi GV&CBQL nhằm phát huy tính chủ động của từng cá nhân, đơn vị cũng như tính tích cực của cả quá trình bồi dưỡng.
Về vai trò các Trường Sư phạm, TS. Nguyễn Ngọc Hiền nhấn mạnh, các trường sư phạm không chỉ đóng vai trò biên soạn tài liệu, chương trình bồi dưỡng, trực tiếp làm báo cáo viên cho các khóa BD như trước đây, mà còn phải là chủ thể tổ chức nghiên cứu, đánh giá năng lực đội ngũ, nhu cầu phát triển nghề nghiệp cùng với các địa phương, trường học… Các cơ sở đào tạo phải coi việc phát triển chương trình bồi dưỡng GV, CBQLGD là một nhiệm vụ mang tính chiến lược cho sự phát triển của chính nhà trường và đóng vai trò nòng cốt, chủ công trong hoạt động BD. Đây cũng chính là cơ hội để cơ sở đào tạo gắn lý thuyết với thực hành nghề nghiệp, gắn cơ sở đào tạo với nhà sử dụng, qua đó thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục.
Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới công tác BD GV&CBQL đòi hỏi quy chế BDTX phải có sự thay đổi, bổ sung, cập nhật tương thích để tiếp tục phát huy vai trò của nó trong công tác quản lý, hướng dẫn và đánh giá hoạt động bồi dưỡng thường xuyên GV&CBQLGD. Thông 26 sửa đổi sẽ đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trường Đại học Vinh sẵn sàng tham gia tích cực với tư cách là trường Sư phạm chủ chốt trong công tác bồi dưỡng ở địa bàn Bắc Trung Bộ và cả nước.
Tin bài: Lê Thế Cường
Bài có sử dụng thông tin của
Website Ban Quản lý Chương trình ETEP