Một trong những năng lực cần hình thành cho học sinh trong Chương trình môn học Địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là năng lực “Tổ chức dạy học ở thực địa”. Thành phần năng lực này tuy không phải là mới đối với giáo viên Địa lý, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học ở phổ thông, trong chương trình đào tạo giáo viên Địa lý tại các trường đại học cần tạo nhiều cơ hội hơn nữa để rèn luyện cho người học. Để có thể hình thành và phát triển năng lực này cho học sinh, bản thân người giáo viên Địa lý cần phải có kỹ năng học tập ở thực địa, và hơn hết là kỹ năng tổ chức dạy học ở thực địa. Trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Địa lý, Viện SPXH, trường Đại học Vinh tiếp tục duy trì và chú trọng hơn nữa hoạt động thực địa cho SV Sư phạm. Hoạt động thực địa được thực hiện qua 2 hình thức: tổ chức qua môn học thực địa trong chương trình đào tạo (Thực địa Địa lý tự nhiên, Thực địa Địa lý Kinh tế - xã hội) và tổ chức hoạt động dạy học tại thực địa trong các học phần.

Với mục đích đó, trong chuỗi hoạt động của Viện Sư phạm Xã hội dành cho các ngành đào tạo triển khai thực hiện kế hoạch công văn 60/KH-ĐHV ngày 29 tháng 10 năm 2019 của Trường Đại học Vinh về Kế hoạch tổ chức tháng Rèn luyện Nghiệp vụ sư phạm và nâng cao năng lực dạy học, kiểm tra đánh giá theo tiếp cận CDIO năm học 2019 – 2020, Ban tổ chức Hội thi nghiệp vụ sư phạm (NVSP) Viện Sư phạm Xã hội, tiểu ban ngành Sư phạm Địa lý tổ chức hoạt động "Dạy học một số nội dung ngoài thực địa dành cho sinh viên ngành Sư phạm Địa lý" vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 tại rừng ngập mặn ven sông Lam thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh.


Hoạt động nhằm phát triển năng lực tổ chức dạy học ngoài thực địa cho giảng viên và sinh viên ngành sư phạm địa lý; Đổi mới hoạt động giảng dạy và học tập gắn với thực tiễn theo yêu cầu của đào tạo tiếp cận CDIO và tạo cơ hội gắn kết sinh viên sư phạm Địa lý các khóa 58,59, 60 của ngành.

Tham gia hoạt động, ngoài 40 sinh viên Sư phạm Địa lý khóa 58,59,60 và toàn thể GV ngành Sư phạm Địa lý (Viện SPXH), BTC đã mời TS Trần Thị Tuyến (Viện Nông nghiệp và Tài nguyên, Trường Đại học Vinh) và chuyên gia người Nhật Bản Kazuya Takahashi có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về rừng ngập mặn Hưng Hòa hướng dẫn sinh viên học tập. Buổi học tập trung nghiên cứu tại các điểm quan sát rừng ngập mặn tự nhiên và vùng cửa sông, quan sát rừng ngập mặn thứ sinh và ao nuôi tôm, kênh dẫn nước thải và rừng trồng ven sông Lam. Dưới sự tổ chức và hướng dẫn của các giảng viên và chuyên gia khách mời, sinh viên sử dụng các kĩ năng quan sát tại thực địa, thông tin thu thập và viết báo cáo thu hoạch sau buổi học.

Kết thúc buổi học, sinh viên ngành sư phạm Địa lý đã có cơ hội hiểu biết sâu sắc thêm một số nội dung của các môn học như Địa lý tự nhiên đại cương, Địa lý tự nhiên Việt Nam, đồng thời trang bị kĩ năng tổ chức hoạt động học tập tại thực địa, rèn luyện phương pháp nghiên cứu đặc thù của môn học như phương pháp quan sát, mô tả ngoài thực địa,… Bên cạnh đó, buổi học còn giúp sinh viên các khóa của ngành gắn kết hơn, trao đổi và giúp đỡ nhau trong quá trình học tập.

                                                            Bài và ảnh: Việt Hà, Nguyễn Hoài