Thực hiện Tháng rèn luyện Nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm theo công văn số 69/KH-ĐHV và Kế hoạch tổ chức Tháng rèn luyện Nghiệp vụ sư phạm của Viện Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Vinh, ngày 9 tháng 12 năm 2020 ngành Sư phạm Địa lý tổ chức hoạt động thao giảng tại Trường THPT Chuyên, trường Đại học Vinh cho sinh viên khóa 38 Sư phạm Địa lí.

Từ khóa đào tạo 58, ngành cử nhân sư phạm Địa lí được thực hiện theo chương trình đào tạo tiếp cận CDIO. Theo cách tiếp cận này việc xây dựng khối kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để đạt được 4 năng lực cốt lõi cho sinh viên trong quá trình đào tạo là: Hình thành ý tưởng (Conceive)- Thiết kế (Design) - Triển khai (Implement) – Vận hành (Operate) phù hợp trong bối cảnh xã hội, đặc biệt là bối cảnh thực tiễn các trường phổ thông. Vì vậy, các hoạt động đào tạo nói chung, rèn luyện Nghiệp vụ sư phạm nói riêng của ngành đều chú trọng gắn kết với thực tiễn phổ thông. Ngay từ năm thứ nhất của chương trình đào tạo, sinh viên đã thực hiện hoạt động thực tế phổ thông để làm quen với môi trường dạy và học bộ môn. Năm học thứ 3, thứ 4 trong chương trình đào tạo các nhóm sinh viên thực hiện đồ án môn học tại trường THPT Chuyên và Trường Thực hành sư phạm – Trường Đại học Vinh. Thông qua chuỗi đồ án môn học gắn với thực tế phổ thông, sinh viên vừa học tập, vừa được rèn luyện các kĩ năng sư phạm trong môi trường dạy học thực tiễn, đáp ứng các chuẩn đầu ra của chương trình về năng lực nghề nghiệp.

Hội thi thao giảng ngành Sư phạm Địa lí gồm có 4 sinh viên tham gia, được lựa chọn là đại diện các nhóm sau 2 tháng thực hành phương pháp dạy học tại trường THPT Chuyên. Sinh viên thiết kế giáo án và thực hiện tổ chức dạy học có ứng dụng CNTT các bài học trong chương trình môn Địa lí lớp 10, 11 tại các lơp 10 A2, 11A2, 11A5 và 11A6.

TT

Họ tên SV

Tên bài học

Thời gian - Địa điểm

1

Nguyễn Đình Đức

Sự phân bố khí áp. Một số loại gió chính

Tiết 1

10A2 (ĐN103)

2

Cao Ngọc Ánh

EU- Hợp tác, liên kế để cùng phát triển

Tiết 3

11A5 (D503)

3      

Bùi Thị Mai Sương

EU- Hợp tác, liên kế để cùng phát triển

Tiết 2

11A5 (D503)

4

Phạm Thị Thảo Anh

EU- Hợp tác, liên kế để cùng phát triển

Tiết 6

11A5 (D503)

 

Qua các tiết dạy, sinh viên đã thực hiện năng lực thiết kế kế hoạch bài học, ứng dụng CNTT và tổ chức các hoạt động học tập theo yêu cầu tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực cho HS. Được rèn luyện kĩ năng đứng lớp, sinh viên thể hiện sự tự tin, chững chạc, làm chủ bài giảng và linh hoạt trong quản lí lớp học. Các hoạt động học tập được tổ chức đa dạng, phát huy tính tích cực học tập của HS vừa tạo không khí học tập sôi nổi, vừa đạt hiệu quả học tập cả về kiến thức và kĩ năng cho HS. Nhiều phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học tích cực được vận dụng có hiệu quả: Thuyết trình tích cực, hoạt động nhóm và sử dụng hình vẽ minh họa trên bảng về khí áp và các loại gió (SV Nguyễn Đình Đức); Sử dụng video kết hợp phiếu học tập hiệu quả để HS tìm hiểu về Thị trường chung Châu Âu (SV Cao Thị Ngọc Ánh); Tổ chức trò chơi Vòng quay may mắn để tạo hứng thú học tập trong phần khởi động; Làm việc nhóm với yêu cầu sản phẩm sơ đồ tư duy (SV Bùi Thị Mai Sương); Kĩ thuật chia sẻ cặp đôi (Think-pair Share) được áp dụng thực sự hiệu quả trong tổ chức cho HS tìm hiểu liên kết vùng Châu Âu (Phạm Thị Thảo Anh). Hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng đã được sinh viên thiết kế và sử dụng trong các tiết dạy của mình.

Tham gia dự giờ, nhận xét đánh giá cho sinh viên gồm có:

1. TS Võ Thị Vinh – Trưởng ban Giám khảo

            2. TS Nguyễn Thị Hoài – Phó viện trưởng Viện SPXH – UV

            3. TS Phạm Vũ Chung -  Giảng viên Viện SPXH – UV

4. TS Nguyễn Thị Việt Hà -  Giảng viên Viện SPXH – UV

5. Nguyễn Thị Vân -  giáo viên môn Địa lí trường THPT Chuyên – UV

Ngoài ra còn có các giảng viên của ngành Sư phạm Địa lí, SV khóa 58 sư phạm Lịch sử, SV Địa lí khóa 59 dự giờ học tập.

Nhận xét về các tiết dạy, Ban giám khảo ghi nhận những ưu điểm: sự tự tin, chủ động và sáng tạo trong thiết kế và tổ chức dạy học; SV đã thể hiện tốt Kĩ năng sư phạm và quản lí lớp học. Đặc biệt, năng lực ứng dụng CNTT được ứng dụng hiệu quả, hỗ trợ tối ưu quá trình học tập của HS. Bên cạnh đó, một số góp ý của Ban giám khảo về cách lựa chọn nội dung trọng tâm của bài học, kiểm soát thời gian trong khâu tổ chức của các tiết học để SV tiếp tục rèn luyện, khắc phục để chuẩn bị tốt nhất cho kì thực tập sư phạm sắp tới cũng như yêu cầu của năng lực nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Hoạt động thực hành giảng dạy tại trường THPT Chuyên và Trường THSP – Trường Đại học Vinh của SV khóa 58 A Sư phạm Địa lý vẫn tiếp tục trong thời gian còn lại của học kì 1, năm học 2020 – 2021.

Một số hình ảnh tại buổi thao giảng:

 

Tin bài và Ảnh: NTVH