Đó là vào dịp mùa hè phượng nở, cuộc hành trình của 78 thành viên lớp 55A ngành Sư phạm Lịch sử dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong khoa cuối cùng cũng tới. Lịch trình của chúng tôi là được tham quan, học tập và trải nghiệm nhiều địa điểm ở các tỉnh miền trung như khu mô Đại tướng Võ Nguyên Giáp(Quảng Bình), Địa đạo Vịnh Mốc(Quảng Trị), Phố cổ Hội An(Quảng Nam), Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng(Đà Nẵng), Bảo tàng kiến trúc Chăm(Quảng Nam), Cố đô Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh(Huế), Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn...Quả thực đó là một lịch trình với rất nhiều địa điểm di tích lịch sử nổi tiếng đã khiến chúng tôi không thể nào quên:
Chúng tôi không thể nào quên Vũng Chùa- Đảo Yến, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn. Vũng Chùa- Đảo Yến là nơi đất mẹ Quảng Bình đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Đây là một địa điểm có khung cảnh thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra Biển Đông hũng vĩ với nhiều đảo nhỏ như hòn La, hòn Gió, hòn Nồm(đảo Yến). Thầy và trò chúng tôi đã cùng nhau thắp hương viếng Đại tướng- người anh hùng đã hi sinh biết bao cho đất nước Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp chống Mỹ. Đứng trước mộ Đại tướng, chúng tôi càng thêm nhớ, thêm khắc ghi công lao của Đại tướng với dân tộc.
Chúng tôi không thể nào quên được địa đạo Vịnh Mốc(Quảng Trị)- một minh chứngvề cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, một huyền thoại biểu trưng cho sức mạnh, trí tuệ, lòng dũng cảm của dân tộc Việt Nam. Đến thăm địa đạo, chúng tôi thêm hiểu vì sao một dân tộc nhỏ bé, được trang bị vũ khí thô sơ lại chiến thắng một cường quốc với sức mạnh quân sự hùng mạnh khiến cả thế giới khiếp sợ.
Chúng tôi không thể nào quên được Bảo tàng kiến trúc Chăm- điểm dừng chân của thầy trò tại Đà Nẵng. Đến đây, chúng tôi được chiêm ngưỡng sức sáng tạo thật đáng ngưỡng mộ của nghệ nhân Chăm xưa để tạc nên những tuyệt tác còn mãi với thời gian.
Chúng tôi cũngkhông thể nào quên Huế với những ấn tượng rất riêng - mảnh đất cố đô với Đại nội Huế, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, khu tưởng niệm Phan Bội Châu, Đàn Nam Giao, khu lăng mộ vua Tự Đức,vua Minh Mạng, làng Dương Nổ..Huế trong chúng tôi gắn liền với lịch sử của vương triều nhà Nguyễn, đến đây, chúng tôi thêm hiểu về một giai đoạn đầy biến động trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Rời khỏi Huế, chúng tôi đến di tích Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Trường Sơn trong ngày cuối cùng của chuyến đi.
Thành cổ Quảng Trị đón chúng tôi bằng một không gian rất đặc biệt: vừa u buồn trầm mặc, vừa hào hùng và bi tráng. Đứng trước tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh năm xưa, nghe tiếng chuông ngân dài bên bờ sông Thạch Hãn, thămbảo tàng với rất nhiều chứng tích chiến tranh còn lưu giữ lại, tất cảchúng tôi đều bồi hồi xúc động.
Tiếp đó, chúng tôi đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Dẫu đã nghe nhiều, đã học nhiều, nhưng quả thật, khi đặt chân tại nơi này, chúng tôi đều không kìm được nước mắt.Phần lớn những liệt sĩ đã ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều người còn chưa có người yêu, chưa biết đến nụ hôn đầu. Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc bằng tình yêu nước cháy bỏng. Họ đã không thể trở về mà yên nghỉ lại nơi này.Chúng tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết, mỗi tấc đất của dân tộc Việt Nam ta ngày hôm nay đều thấm máu và xương của biết bao thế hệ ông cha.
Quả thực, qua đợt thực tế chuyên môn, chúng tôi thật sự cảm thấy mình lớn lên trong suy nghĩ, trong nhận thức, giàu có thêm về tâm hồn. Chuyến đi cũng làm cho chúng tôi cảm thấy yêu hơn nghề Sư phạm Lịch sử. Chúng tôi cảm thấy tự hào về con đường mình đã chọn, rồi đây, chúng tôi sẽ được đứng trên bục giảng, để kể cho các em học sinh về những chặng đường hào hùng mà thế giới và dân tộc đã đi qua.
Một số hình ảnh đáng nhớ về chuyến thực tế chuyên môn:
Cột cờ Đại nội Huế
Cửa vào Đại nội Huế
Tham quan Trường Quốc học Huế
Dâng hương tại Đàn Nam Giao - Huế
Tam quan học tập tại Thánh địa Mỹ Sơn
Dâng hương tại Thành cổ Quảng trị
Cao Nga