1. Quá trình xây dựng và phát triển

        Bộ môn Lịch sử Thế giới có quá trình ra đời và phát triển gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh).

        Khi khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh chưa thành lập, năm 1962, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) cử thầy Phan Văn Ban - giảng viên Bộ môn Lịch sử Thế giới, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về Trường Đại học Sư phạm Vinh công tác với nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử thế giới cho sinh viên khoa Ngữ Văn của Trường.

        Tháng 8/1968, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Vinh và thầy Phan Văn Ban được cử làm Trưởng Bộ môn Lịch sử Thế giới. Tham gia giảng dạy các học phần lịch sử thế giới trong thời kỳ đầu mới chỉ có 6 thầy, cô là Phan Văn Ban, Lâm Quang Trực, Lê Thị Hoàng Hoa, Nguyễn Văn Sơn, Dương Văn Tín, Biện Văn Dục. Năm 1970, Bộ môn có thêm thầy Nguyễn Đôn Thanh. Từ năm 1974 trở đi đội ngũ giảng viên của Bộ môn Lịch sử Thế giới liên tục được bổ sung từ nhiều nguồn, đó là các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ngành Lịch sử của các trường đại học trong và nước ngoài, như các thầy: Lê Thiện Duyên (tốt nghiệp tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội), Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Văn Chủng, Dương Văn Ninh (tốt nghiệp khóa 10, 11 tại Trường Đại học Sư phạm Vinh), Lê Tiến Giáp, Phan Hoàng Minh (tốt nghiệp tại Liên Xô), Phạm Ngọc Tân, Nguyễn Kế Thân, Hoàng Thanh Hải, (tốt nghiệp khóa 15, Trường Đại học sư phạm Vinh), Hoàng Đăng Long (tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Bùi Văn Hào (tốt nghiệp khóa 20, Đại học Sư phạm Vinh),...Các cán bộ mới ra trường đều được cử di bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ qua các khóa chuyên tu, cao học, thực tập sinh, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, nhờ vậy trình độ và năng lực công tác của cán bộ trong Bộ môn không ngừng được nâng lên. Dần dần, cán bộ của Bộ môn có khả năng đảm nhận giảng dạy tất cả các môn học thuộc Lịch sử thế giới cho sinh viên trong khoa và các khoa thuộc Khoa học Xã hội và Nhân văn trong Trường và tham gia giảng dạy giúp các trường bạn và các cơ sở đào tạo của các tỉnh khi có nhu cầu. Đến nay, đã có trên 41 cán bộ đã và đang giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử Thế giới qua các thời kỳ.

        Đến năm 2018, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các môn học Lịch sử thế giới đã đạt chuẩn về trình độ và năng lực chuyên môn, trong đó có 4 PGS.TS.GVCC, 1 GVC.TS, 6 TS, 1 ThS đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, rộng lớn về quy mô của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong sự trưởng thành của Bộ môn Lịch sử Thế giới đã ghi đậm dấu ấn của các Trưởng Bộ môn qua các thời kỳ: Phan Văn Ban (1969-1989), Biện Văn Dục (1990-1995), Phạm Ngọc Tân (1995-2004), Phan Hoàng Minh (2004-2009), Nguyễn Công Khanh (2009-2011), Lê Thế Cường (2011-2015) và Nguyễn Văn Tuấn (2015 đến nay).

        Bộ môn Lịch sử Thế giới đã cung cấp cho khoa và các đơn vị của Trường Đại học Vinh nhiều cán bộ quản lý, như PGS Phan Văn Ban, nhiều năm là Phó Trưởng Khoa, Trưởng khoa Lịch sử; PGS.TS. GVCC. NGUT. Nguyễn Công Khanh, từng đảm nhiệm Phó Trưởng khoa Đại cương, Trưởng khoa Lịch sử; PGS.TS.GVCC. Phạm Ngọc Tân nhiều năm là Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Phó Giám đốc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên; TS. Nguyễn Anh Chương, nguyên Bí thư Đoàn trường, nguyên Phó Trưởng phòng Thanh tra Giáo dục, Trưởng ban Quản lý cơ sở 2; TS. Tăng Thị Thanh Sang, nguyên Phó Trưởng khoa Luật, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm; PGS.TS.GVCC. Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Sau Đại học; PGS.TS. GVCC. Bùi Văn Hào, Trưởng Bộ môn Việt Nam học; TS. Hắc Xuân Cảnh, Phó Trưởng khoa Lịch sử, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trưởng Bộ môn Báo chí; TS. Lê Thế Cường, Phó Trưởng khoa Lịch sử, Phó Viện Trưởng Viện Sư phạm xã hội,...

        Ngoài ra, Bộ môn Lịch sử Thế giới còn cung cấp nhiều cán bộ cho các trường đại học, cao đẳng, các sở, các tổ chức chính trị xã hội của đất nước, như Đại học Sư phạm Huế, Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, Đại học Sài Gòn, Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình, Huyện uỷ huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An,...

        Khi Phương pháp giảng dạy chưa tách thành Bộ môn riêng, một số thầy giáo của Bộ môn Lịch sử Thế giới đã kiêm giảng dạy cả các học phần Phương pháp giảng dạy. Đến năm 1975, nhóm Phương pháp giảng dạy được hình thành do Bộ môn Lịch sử Thế giới quản lý. Trước yêu cầu phát triển của Khoa, năm 1999, nhóm Phương pháp giảng dạy được tách ra khỏi Bộ môn Lịch sử Thế giới để thành lập Bộ môn Phương pháp giảng dạy và các môn cơ sở. Điều đó chứng tỏ, Bộ môn Lịch sử Thế giới đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên để hình thành Bộ môn Phương pháp giảng dạy và các môn cơ sở của khoa Lịch sử. Ngoài ra, Bộ môn Lịch sử Thế giới còn cung cấp một số cán bộ để thành lập Bộ môn Công tác xã hội và Bộ môn Việt Nam học.

Danh sách cán bộ đã từng công tác ở Bộ môn Lịch sử Thế giới:

1. Phan Văn Ban

17. Hoàng Đình Chiến

2. Lâm Quang Trực

18. Trần Vĩnh Tường

3. Lê Thị Hoàng Hoa

19. Hoàng Thanh Hải

4. Dương Văn Tín

20. Nguyễn Kế Thân

5. Nguyễn Văn Sơn

21. Hoàng Đăng Long

6. Lê Huy Phúc

22. Trần Viết Thụ

7. Biện Văn Dục

23. Bùi Văn Hào

8. Nguyễn Đôn Thanh

24. Văn Ngọc Thành

9. Lê Công Miện

25. Nguyễn Thị Thuý Hà

10. Nguyễn Thị Bích

26. Nguyễn Thị Hà

11. Lê Thiện Duyên

27. Nguyễn Thị Duyên

12. Dương Văn Ninh

28. Trần Thị Thanh Vân

13. Nguyễn Văn Chủng

29. Lê Đức Hoàng

14. Lê Tiến Giáp

30. Nguyễn Thị Hương

15. Phan Hoàng Minh

31. Tăng Thị Thanh Sang

16. Lưu Danh Hương

32. Nguyễn Anh Chương

 

Danh sách thành viên của Bộ môn Lịch sử Thế giới đến tháng 6/2018:

1. PGS.TS. GVCC, NGUT. Nguyễn Công Khanh

2. PGS.TS.GVCC. Phạm Ngọc Tân

3. TS.Lê Thế Cường

4. TS.Hoàng Thị Hải Yến   

5. TS. Hắc Xuân Cảnh

6. GVC.TS.Nguyễn Văn Tuấn

7. TS.Tôn Nữ Hải Yến

8. ThS. Phan Thị Cẩm Vân


2. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

        Là một trong hai bộ môn chính của khoa Lịch sử trong nhiều năm, với đội ngũ các thầy, cô giáo đầy nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, Bộ môn Lịch sử Thế giới đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh.

        Lịch sử thế giới là mảng kiến thức cơ bản, quan trọng với nhiều môn học trong chương trình đào tạo của khoa Lịch sử, các giảng viên Bộ môn đã trang bị cho sinh viên khối lượng kiến thức phong phú, có hệ thống về lịch sử nhân loại, lịch sử các khu vực, lịch sử các nước và lịch sử các mối quan hệ giữa các quốc gia, các vùng miền, các khu vực, các hệ tư tưởng trên thế giới trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, cán bộ giảng dạy của Bộ môn còn đảm nhận giảng dạy những môn học chung cho toàn khoa và các khoa thuộc Khoa học Xã hội và Nhân văn trong và ngoài trường, như môn Nhập môn sử học, Lịch sử văn minh thế giới, Phương pháp luận sử học, Các thể chế chính trị thế giới đương đại, Tổng quan các di sản tự nhiên và di sản văn hoá thế giới, Phân vùng du lịch Việt Nam, Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nhà nước và pháp luật phong kiến Việt Nam, Phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành,... Ngoài ra, cán bộ của Bộ môn đã tham gia giảng dạy các học phần Lịch sử thế giới cho các lớp đại học hệ vừa làm vừa học ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Văn-Sử tại các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; giảng dạy học phần Lịch sử thế giới đại cương, Lịch sử văn minh thế giới cho các lớp hệ vừa làm vừa học ngành Giáo dục Mầm non, Luật tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

        Giảng viên Bộ môn cũng tham gia giảng dạy tại các trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Hồng Đức, Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Đại học Duy Tân, Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Nghệ An,... Đồng thời nhiều cán bộ của Bộ môn còn tham gia giảng dạy chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Bắc miền Trung.

        Từ năm 1993, một số cán bộ giảng dạy có học vị Tiến sĩ, Phó Giáo sư của Bộ môn được giao nhiệm vụ giảng dạy các chuyên đề Lịch sử thế giới cho học viên cao học Thạc sĩ thuộc chuyên ngành Lịch sử Việt Nam tại Vinh, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Đến năm 2000, Bộ môn đã trực tiếp đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử thế giới. Nhiều cán bộ của Bộ môn đã tham gia vào các Hội đồng thẩm định đề cương và Hội đồng chấm luận văn cao học Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử thế giới tại Đại học Vinh và các trường bạn. Tính đến năm 2018, đã có 247 học viên từ khóa 8 đến khóa 24 bảo vệ thành công luận văn cao học chuyên ngành Lịch sử thế giới và nhận học vị Thạc sĩ Sử học. Hiện có hơn 20 học viên đang theo học chuyên ngành Lịch sử thế giới tại cơ sở đào tạo Sau đại học của Trường Đại học Vinh.

       Từ năm 2011, Bộ môn được giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh và ngay năm học 2011-2012 đã có 2 nghiên cứu sinh đầu tiên là Tôn Nữ Hải Yến và Hà Nguyên Khoa. Đến năm 2018, Bộ môn đã đào tạo được 4 Tiến sĩ (Tôn Nữ Hải Yên, Hà Nguyên Khoa, Trần Thị Hạnh Lợi, Phùng Quang Huy), ngoài ra có 2 nghiên cứu sinh đã hoàn thành bảo vệ cơ sở và 7 nghiên cứu sinh khác đang tích cực triển khai luận án. Bộ môn cũng đã hoàn chỉnh hệ thống các chuyên đề đào tạo nghiên cứu sinh.

        Cùng chung sức với Nhà trường và Khoa, Bộ môn Lịch sử Thế giới đã đảm nhiệm một khối lượng công việc ngày càng lớn về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong những năm Nhà trường triển khai đào tạo theo chương trình 2 giai đoạn, Bộ môn đảm nhận giảng dạy các học phần Lịch sử thế giới đại cương, Lịch sử quan hệ quốc tế, Lịch sử văn minh thế giới cho tất cả sinh viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn.

        Từ năm 1999, quy mô đào tạo của Trường không ngừng được mở rộng, cán bộ của Bộ môn đã đảm nhận giảng dạy nhiều học phần cho sinh viên các hệ cử nhân sư phạm, cử nhân khoa học chính quy và cử nhân khoa học tại chức tập trung trong và ngoài Trường, hệ chuẩn hoá, bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên phổ thông thuộc nhiều địa bàn trong cả nước. Trong điều kiện số giờ lên lớp không ngừng tăng lên, việc hướng dẫn luận văn, tiểu luận, bài tập chuyên ngành cũng tăng lên gấp bội, các thầy cô trong Bộ môn đã hết sức cố gắng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hàng năm cán bộ của Bộ môn phải đảm nhận một khối lượng công việc nhiều gấp 2 - 3 lần so với định mức do Nhà nước quy định. Dù cho khối lượng công việc giảng dạy quá tải, nhưng sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt khoa học của Bộ môn vẫn được duy trì nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng. Ngoài ra, hàng năm Bộ môn còn mời các chuyên gia đầu ngành báo cáo chuyên đề liên quan đến những vấn đề khoa học mới để cán bộ cập nhật kịp thời, góp phần định hướng cho nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ.

        Hưởng ứng các cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, đào tạo không đáp ứng nhu cầu của xã hội”, “Mỗi giảng viên là một tấm gương sáng về tự học và sáng tạo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi xướng và thực hiện chủ trương của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu Nhà trường về đổi mới phương pháp dạy học, nhiều cán bộ của Bộ môn Lịch sử Thế giới đã hăng hái tìm kiếm, thử nghiệm nhiều phương pháp truyền thụ mới có hiệu quả. Những phương pháp đó đã được trình bày trong các Hội nghị sáng kiến kinh nghiệm hàng năm của khoa và trường. Nhiều giảng viên của Bộ môn đã tích cực đi đầu trong việc biên soạn và giảng dạy bằng bài giảng điện tử. Bộ môn thường xuyên dự giờ góp ý cho những cán bộ trẻ mới lên lớp và dự giờ những cán bộ đăng ký giảng viên giỏi để đánh giá và học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, Bộ môn đã triển khai biên soạn hàng chục bộ đề thi tự luận cho tất cả các học phần và một số bộ đề thi thi trắc nghiệm, đã được nghiệm thu, sử dụng.

        Để có thêm tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu cho cán bộ và sinh viên, Bộ môn đã biên soạn, thẩm định và ấn hành hàng chục tập bài giảng, giáo trình bao gồm tất cả các học phần thuộc chương trình thông sử và hệ thống các chuyên đề chuyên ngành do cán bộ của Bộ môn đảm nhiệm. Ngoài ra nhiều giảng viên trong Bộ môn đã biên soạn đề cương bài giảng cho các chuyên đề đào tạo sau đại học, tham gia phản biện, thẩm định một số tập bài giảng bằng tiếng nước ngoài cho khoa Ngoại ngữ để giảng dạy cho học viên cao học.

        Từ năm 2006, Bộ môn đã kịp thời triển khai thực hiện chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Những cán bộ được phân công đã nỗ lực, cố gắng biên soạn đề cương và chương trình chi tiết các học phần theo học chế tín chỉ. Kết quả, 24 học phần do Bộ môn đảm nhận giảng dạy, bao gồm một số môn chung, các môn thông sử và toàn bộ hệ thống chuyên đề chuyên ngành đã được thẩm định, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Một số cán bộ còn biên soạn bài giảng để sinh viên có thêm tài liệu tham khảo khi mới tiếp cận với loại hình đào tạo này. Đến nay đã có 100% giảng viên của Bộ môn biên soạn và sử dụng bài giảng điện tử.

       Từ năm học 2016-2017, khi Trường Đại học Vinh triển khai biên soạn và giảng dạy chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO, cán bộ trong Bộ môn đã tích cực hưởng ứng và triển khai theo đúng kế hoạch của Nhà trường. Đến nay, tất cả cán bộ trong Bộ môn đều đã hoàn thành soạn bài giảng và bắt đầu lên lớp cho sinh viên K58 theo chương trình này.

       Việc tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học được cán bộ trong Bộ môn thường xuyên quan tâm và nghiêm túc thực hiện. Nhiều cán bộ đã chủ trì, hoặc tham gia thực hiện các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh hoàn thành và nghiệm thu đúng thời hạn, như các đề tài:

 - J.Nehru - những đóng góp trong phong trào giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Ấn Độ.

- Bản sắc con người Nghệ An trong tiến trình lịch sử và qua những năm của sự nghiệp đổi mới.

- Quan hệ Việt Nam - Đông Nam Á từ năm 1945 đến năm 1995.

- Ngân hàng đề thi tự luận ngành Lịch sử.

- Quá trình phấn đấu và trưởng thành của khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh 1968-2003.

- Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của người Việt ở Thái Lan trong lịch sử.

- An ninh chính trị trong hợp tác lao động ở nước ngoài.

- Những cuộc cải cách ở Nhật Bản, Xiêm và Trung Quốc từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

- Quan hệ hợp tác giữa Nghệ An (Việt Nam) với một số tỉnh của Lào từ năm 1986 đến năm 2010.

- Nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy học Lịch sử địa phương cho các trường THPT ở tỉnh Nghệ An.

          Nhiều cán bộ của Bộ môn còn tham gia biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư và giáo trình cấp quốc gia, như Lịch sử thế giới hiện đại, Lịch sử quan hệ quốc tế thời kỳ hiện đại, Một số chuyên đề Lịch sử thế giới, J. Nehru - Tiểu sử và sự nghiệp, Lịch sử Ấn Độ, Các con đường giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á... Hàng trăm bài báo khoa học của cán bộ Lịch sử thế giới đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học của các trường đại học và các địa phương, như Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Nghiên cứu Đông Nam Á, Xưa và nay, Nghiên cứu quốc tế, Nghiên cứu châu Âu, Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Lịch sử Đảng, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nghệ An...

         Cán bộ Bộ môn Lịch sử Thế giới đã chủ biên hoặc tham gia biên soạn nhiều cuốn sách giáo trình, sách chuyên khảo, tuyển tập, kỷ yếu phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu cho cán bộ và sinh viên, như:

- Để dạy tốt môn Lịch sử ở trường phổ thông trung học chuyên ban (1996).

- Tuyển tập các công trình khoa học (1999).

- Nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương (2002).

- Một số vấn đề lịch sử (2006).

- Kỷ yếu Hội thảo 50 năm Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An 1957-2007 (2007).

- Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nội dung và lộ trình (2009)

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (2011).

- Quan hệ Ấn Độ - Liên Xô trong Chiến tranh lạnh (2011).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, văn hóa - xã hội” (2014).

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thanh - Nghệ - Tĩnh với chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (2014).

- Lịch sử văn minh thế giới (2016).

- Tính đặc thù của xã hội phương Đông cổ đại (2016).

- Nhà nước và pháp luật phong kiến Việt Nam (2017).

- Tôn giáo học đại cương (2018)

Bộ môn Lịch sử Thế giới là lực lượng nòng cốt cùng Khoa tổ chức thành công nhiều cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia và khu vực, như:

- Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ (1993).

- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít (1995).

- Giảng dạy lịch sử theo chương trình chuyên ban (1996).

- Về nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương (2002).

- 50 năm thắng lợi của cách mạng Trung Quốc (1999).

- 50 năm Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An 1957-2007 (2007).

- 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (2007).

- Mai Thúc Loan và Khởi nghĩa Hoan Châu (2008)

- Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (2011).

- Nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, văn hóa - xã hội (2014)

- Thanh - Nghệ - Tĩnh với chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (2014).

- 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (2017).

Nhiều cán bộ của Bộ môn còn thường xuyên tham gia nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các trường đại học trong và ngoài nước.

         Do những thành tích đạt được trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, Bộ môn Lịch sử Thế giới nhiều năm được Nhà trường công nhận là Bộ môn tiên tiến xuất sắc.

                                                                   *    

                                                             *           *

          Nhìn lại 50 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn Lịch sử Thế giới trân trọng ghi nhận sự đóng góp to lớn và công lao của các thầy, cô giáo thuộc các thế hệ đầu tiên trong Bộ môn, như thầy Phan Văn Ban (Trưởng Bộ môn trong những năm 1968-1990, sau đó suốt một thời gian dài thầy giữ trọng trách Trưởng khoa), Thầy Biện Văn Dục (Trưởng Bộ môn từ 1990 đến1995), Thầy Lâm Quang Trực , Cô Lê Thị Hoàng Hoa, Thầy Nguyễn Văn Sơn, Thầy Lê Huy Phúc, Thầy Dương Văn Tín,... các Thầy Nguyễn Đôn Thanh, Lê Tiến Giáp, Dương Văn Ninh, Phan Hoàng Minh, Nguyễn Công Khanh, Phạm Ngọc Tân (có quá trình liên tục trên 30 năm trực tiếp giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử Thế giới) và các thế hệ giảng viên đã đóng góp sức lực và trí tuệ vào sự trưởng thành của Bộ môn hôm nay. Chúng ta tưởng nhớ đến các thầy, cô đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Bộ môn, nhưng không còn có mặt trong Lễ kỷ niệm hôm nay, đó là các thầy, cô: Phan Văn Ban, Nguyễn Thị Bích, Dương Văn Tín, Nguyễn Đôn Thanh, Lê Tiến Giáp, Nguyễn Kế Thân. Đó là những nhà giáo đã để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong ký ức các thế hệ cán bộ và sinh viên khoa Lịch sử.

         Trải qua chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển với những thành tích đã đạt được cho phép chúng ta khẳng định: Bộ môn Lịch sử Thế giới đã không ngừng phát triển và đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của khoa Lịch sử và Trường Đại học Vinh. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm khoa Lịch sử, chúng ta thêm tự hào về truyền thống của Bộ môn, quyết tâm khắc phục mọi hạn chế, phát huy thành tích đã đạt được, tiếp tục xây dựng Bộ môn Lịch sử thế giới đoàn kết, ổn định và phát triển, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của sự nghiệp trồng người do Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó.

BTC