Lê Thị Phương Thảo - Lớp 58 A  Sư phạm Ngữ văn.

 

-                       Cô ơi, chị ơi, ngô ngon lắm, mọi người mua vài bông cho con với!

Đó là một cô bé trạc 13,14 tuổi nói với từ xa khi chúng tôi đang bước từ xe xuống. Cứ mỗi độ xuân về, theo như thường lệ, khi đi thăm hỏi họ hàng, người thân gần xa xong, gia đình tôi thường đi tới đền, chùa để cầu an, cầu tài, cầu phúc, cầu lộc. Và một trong những điểm đến chúng tôi luôn luôn ghé qua, đó là di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc - nơi tưởng nhớ mười cô gái đã dũng cảm hi sinh vì độc lập tổ quốc khi độ tuổi chỉ mới mười chín, đôi mươi. Năm nào cũng thế, cứ đúng vào thời điểm chúng tôi tới, là mùa ngô nếp chín đnag căng tràn sức sống chờ được thu hoạch, hay là những bông ngô vừa thổi vừa ăn dành cho những du khách phương xa ghé chơi.

Bước xuống xe, nghe tiếng gọi đó, tôi chợt nhảy cẫng lên,  lòng tôi thể hiện rõ sự thích thú của một đứa trẻ háu ăn:

-       Mẹ ơi, ngô mẹ tề, con thèm.

Cậu tôi nói với theo:

 - Mẹ mi chừ đang no, chưa ăn đâu, phải đi bộ vòng cho xuôi rồi tí quay lại ăn liền hai bông cho coi, cậu cháu ta ăn trước.

            Con bé lấy hai bông ngô còn nóng ở trong bọc ra, mở nhẹ lớp vỏ ngoài để kiểm tra xem bông nào ngon. Trước đây khi còn chưa biết, tôi luôn bảo cậu hoặc mẹ tự chọn ngô cho chất lượng, nhưng cả mẹ và cậu đều cười và bảo:

       -    Tin tưởng họ đi con gái, họ chọn chắc chắn sẽ ngon.

            Và quả thật vậy, lần nào ngô cũng ngon ngọt, thơm lừng. Vị ngọt của nước ngô cứ đọng lại lưng chừng trên lưỡi, thật tuyệt! Và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi dạm hỏi vài câu, tôi biết được cô bé đó tên Trang, mười hai tuổi, nhân những ngày lễ tết mang ngô ra bán để kiếm ít tiền trang trải đỡ đần cuộc sống cho ba mạ.

      -     Ba mạ đi làm rẫy cả, còn một đàn e nhỏ ở nhà, nhiều miệng ăn lắm chú ạ. Cháu đi làm đỡ được ba mạ từng nào thì hay từng nấy.

            Thấy vậy, tôi liền hỏi:

-        E thường bán ở đây hay còn đi chỗ khác bán nữa?

Con bé trả lời:

- Chủ yếu em bán ở đây thôi chị ạ, cuối ngày mà còn vài bông thì em ra

ngoài kia bán thôi, đó là e tính thế. Nhưng mà chả bao giờ như em tính cả, toàn bán hết thôi. Chắc là “các cô” thương, đưa khách tứ phương về cho bọn em bán được hàng đó chị à.

Cả 3 chúng tôi cười phá lên, cậu tôi nói:

-       Đúng, các cô cũng đã có một thời tuổi trẻ làm việc lao động vất vả nên cô thương những đứa trẻ như con đấy. Thế chắc con cũng nghe về lịch sử của các cô nhiều rồi nhỉ?

-       Úi giời, chi chơ lịch sử của các cô, bọn cháu nắm rõ hơn cả tên mình. Hào hùng quá chú nhỉ, ngày xưa bọn cháu thường trốn ba mạ lên đây nghe lén thôi, rồi có khi còn đứng xếp hàng vào nhóm du khách để cùng nghe, cùng mặc niệm nữa. Thích lắm chú ạ.

Tôi ngạc nhiên, có những đứa trẻ trạc tuổi này còn chưa nhận thức được, mình đang nghe cái gì, cần phải thấu hiểu cái gì, thế mà cô bé này đã rất thích thú, thấu hiểu được sự hi sinh, sự gan góc kiên cường của các cô. Quả thật phải nể phục!

-       Đôi lúc, e ước được như các anh chị, được như chú làm một du khách phương xa, đến đây thắp hương và ăn những bông ngô ngon.

Cô bé nói thêm.

-       Thế giờ có muốn không để tôi đưa cô theo làm khách cùng tôi nhé!- Tôi nói

Con bé cười và bảo:

-       Thôi em đùa đấy, e còn phải bán hàng nữa chứ!

Tôi dạn hỏi thêm :

-       Thế sau này lớn lên, e có ý định học lên cao nữa không?

Nó nói:

-       Em cũng chưa biết chị ạ, gia đình mà khấm khá hơn chút thì em học tiếp, được học đại học thì còn gì bằng ạ. Nhưng nếu vẫn còn khó khăn thì chắc em ở nhà làm lụng, đỡ ba, đỡ mạ trang trải cuộc sống thường ngày.

Cậu tôi nghe thấy thương quá, rút một ít tiền ra cho nhưng con bé chối, nằng nặc không nhận:

-       Chú mua ngô thì cháu cảm ơn chứ cháu không lấy tiền không đâu ạ. Mẹ dặn rồi chú ạ.

Cậu tôi cười bảo:

-       Thế giờ tăng giá nhé, 1 bông ngô là 10 nghìn, cháu bán đắt cho chú đi.

-       Dạ, thế chú mua bao nhiêu? – Con bé cười.

-       Chú lấy 8 bông nhé!

Nó thích thú chọn lựa những bông ngon nhất bỏ vào bao, miệng vừa lẩm nhẩm, hôm nay có tiền mua thịt rồi.

Tôi và cậu cùng cười, chào tạm biệt Bé Trang để lên thắp hương cho Các Cô. Trên chuyến xe về nhà, tôi ngẫm, loa động quả thực đã gắn kết con người lại với nhau, làm cho con người ta nhận thức đúng đắn về cuộc sống. Đối với những người khác, có thể lao động chỉ đơn thuần là kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng đối với những đứa trẻ đó, lao động chính là niềm vui, là vinh quang, là nguồn sống. Một lời nhắn nhủ đến tất cả mọi người kể cả bản thân tôi: “Hãy lao động để biết rằng, cuộc sống này tươi đẹp hơn chính là nhờ lao động.”