Khi tiến hành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những vấn đề gây nhiều băn khoăn là việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình, phương án đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại giáo viên để không bị động trong vấn đề này. Điều quan trọng, bản thân mỗi giáo viên cần chủ động trong việc tự học, tự bồi dưỡng để thích ứng tốt với chương trình.
Giáo viên cần thích ứng tốt với đổi mới
Khái quát về thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với Mầm non là 96,6%, Tiểu học là 99,7%, Trung học Cơ sở là 99,0%, Trung học phổ thông là 99,6%. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.
Về số lượng, tính đến tháng 10/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc là 1.161.143 người. Trong đó, Mầm non là 309.770 người; Tiểu học: 395.848 người; Trung học Cơ sở: 305.815; Trung học Phổ thông: 149.710 người. Ở cấp Tiểu học, so với định mức quy định, giáo viên tiểu học còn thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học. Ở cấp Trung học Cơ sở, so với định mức quy định, giáo viên Trung học Cơ sở về cơ bản đủ tuy nhiên vẫn thừa, thiếu cục bộ. Đối với Trung học Phổ thông, so với định mức quy định giáo viên cơ bản đủ.
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiến sĩ Bùi Xuân Dũng, Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Đối với giáo viên, việc thực hiện chương trình sẽ nảy sinh những vấn đề cần giải quyết như thay đổi cơ cấu đội ngũ giáo viên ở các trường Trung học Cơ sở, giáo viên ở cấp học này phải chuyển từ dạy đơn môn sang dạy môn học có tính tích hợp rộng. Sách giáo khoa được soạn lại theo cấu trúc môn học tích hợp. Cơ cấu đội ngũ giáo viên phải đa dạng hơn. Quản lý kế hoạch dạy học ở nhà trường sẽ phức tạp hơn. Chương trình phải được thiết kế có sự gắn kết, liên thông với nội dung đào tạo ở các trường nghề, trường đại học... Vì vậy, giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường phải được đào tạo lại, bồi dưỡng theo hướng trang bị kiến thức chuyên sâu; năng lực tư vấn nghề nghiệp, lựa chọn môn học. Những vấn đề này phải được quan tâm giải quyết mới bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của chương trình mới.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên cần phân tích được những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học, hoạt động giáo dục, sách giáo khoa môn học. Đặc biệt, cần hình thành được kỹ năng vận dụng các phương pháp dạy học đáp ứng đổi mới chương trình theo định hướng tích hợp, phát triển năng lực; kỹ năng phát triển chương trình nhà trường, chương trình môn học; kỹ năng kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; kỹ năng thiết kế các dự án, chủ đề dạy học tích hợp, nghiên cứu khoa học cho học sinh; kỹ năng soạn các tiêu chí, tham gia đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh; kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kỹ năng nhận ra và giải quyết các tình huống giáo dục; xây dựng các chủ đề giáo dục phù hợp địa phương; kỹ năng tham vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp…
Băn khoăn về việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông mới có dạy tích hợp, trong khi giáo viên hiện nay đa phần được đào tạo đơn môn. Vì vậy, khi bồi dưỡng giáo viên, không chỉ đặt vấn đề đổi mới phương pháp mà phải chú trọng trang bị kiến thức cần thiết cho giáo viên. Đối với hình thức bồi dưỡng, chủ trương sắp tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là linh hoạt, kết hợp giữa tập huấn trực tiếp và tập huấn qua mạng. Nhưng có một thực tế như Điện Biên, nhiều giáo viên đang công tác tại những vùng không có điện nên không có internet, sẽ khó khi tập huấn online.
Ảnh minh họa/internet
Linh hoạt trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho biết: Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức triển khai từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức nhiều cuộc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hướng tiếp cận với những nội dung đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng chương trình đào tạo giáo viên để dạy các môn học mới.
Nói thêm về bồi dưỡng giáo viên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ sẽ cung cấp phần mềm tập huấn trực tuyến và phần mềm hỗ trợ tập huấn, mỗi người vào học sẽ có một tài khoản. Nhưng vì học qua mạng, học viên thường thích thì học, không thích thì thôi nên phải có người hướng dẫn là những giáo viên cốt cán. Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng đều có sự giám sát chặt chẽ bằng phần trao đổi, làm bài, hoàn thành bài tập.
Về việc bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, thực chất, nhiều giáo viên dạy đơn môn nhưng đã được đào tạo đa môn như Lý - Hóa, Hóa - Sinh, Sử - Địa, Sử - Giáo dục công dân hay Địa - Giáo dục công dân. Vì vậy, việc tập huấn cho các giáo viên cũng sẽ không có nhiều trở ngại khó khăn.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt chuẩn nghề nghiệp giáo viên để từ đó có lực lượng đội ngũ cốt cán hợp lý nhất về số lượng, cơ cấu và chất lượng để cử đi bổi dưỡng tập trung ở Trung ương và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn… trong quá trình triển khai bồi dưỡng đại trà giáo viên ở địa phương.
Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương xác định đối tượng và số lượng giáo viên cần bồi dưỡng từng năm để tổ chức bồi dưỡng đại trà ở địa phương theo phương thức ứng dụng công nghệ thông tin – giáo viên tự học các bài giảng và tài liệu đã được đưa lên mạng, có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán.
Các Sở căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp giáo viên hợp lý, không để tình trạng thiếu giáo viên khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mới, nhất là giáo viên dạy những môn học mới.
Đối với các cấp học theo lộ trình, cần chọn cử giáo viên phù hợp, thích ứng tốt cho việc đổi mới chương trình để dạy các lớp theo lộ trình đổi mới, trong đó, đặc biệt chú trọng các lớp đầu cấp học.
Theo TTXVN