CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

----o0o----

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỘ MÔN LỊCH SỬ VIỆT NAM

GIAI ĐOẠN 2018- 2020 (Tầm nhìn đến 2025)

 
I. GIỚI THIỆU CHUNG

1.1. Giới thiệu sơ bộ về Bộ môn Lịch sử Việt Nam  

Bộ môn Lịch sử Việt Nam thuộc Viện Sư phạm xã hội, đến nay đã có gần 50 năm xây dựng và trưởng thành. Tính đến tháng 12/2018, bộ môn có 07 giảng viên đều đạt trình độ Tiến sĩ, 02 giảng viên có học hàm Phó giáo sư. Các hoạt động đào tạo của bộ môn bao gồm: đào tạo đại học và sau đại học. Trong đó Đào tạo Sau đại học gồm bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Từ những ngày đầu thành lập, Bộ môn đã xác định rõ vai trò quan trọng bậc nhất là góp phần đào tạo cử nhân sư phạm Lịch sử; bồi dưỡng kiến thức về quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông, giáo dục lòng tự hào dân tộc cho sinh viên khối ngành khoa học xã hội nhân văn, sư phạm xã hội. Đồng thời, bộ môn có nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu về kiến thức chuyên ngành cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh.

1.2. Cơ sở pháp lý xây dựng kế hoạch chiến lược

Kế hoạch chiến lược phát triển Bộ môn Lịch sử Việt Nam được xây dựng dựa trên các văn bản pháp lý sau:

- Luật Giáo dục 2005 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

- Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học và Cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, theo Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

- Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;

- Điều lệ Trường Đại học ban hành theo quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

- Kế hoạch chiến lược phát triển Trường Đại học Vinh trọng điểm và là thành viên của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.

1.3. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức

1.3.1. Điểm mạnh

- Bộ môn có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, 100% đạt trình độ Tiến sĩ. Các giảng viên có tâm huyết với nghề nghiệp, với sinh viên.

- Chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại phù hợp với nhu cầu xã hội.

- Đa dạng về các loại hình đào tạo: đại học chính quy và không chính quy, sau đại học.

1.3.2. Điểm yếu

- Bộ môn chưa tạo ra được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Khả năng sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên còn hạn chế

- Chưa hình thành được các nhóm nghiên cứu chuyên sâu trong bộ môn.

1.3.3. Cơ hội

 - Hội nhập quốc tế tạo thời cơ để bộ môn thực hiện các chương trình liên kết đào tạo và hợp tác trong nghiên cứu khoa học.

- Sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, của Viện Sư phạm xã hội đối với hoạt động của Bộ môn.

1.3.4. Thách thức

- Bên cạnh những thuận lợi, hội nhập quốc tế cũng tạo ra áp lực cạnh tranh về nguồn tuyển sinh và chất lượng đào tạo.

- Yêu cầu đặt ra đối với giảng viên về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sử dụng ngoại ngữ ngày một cao.

II. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỘ MÔN LỊCH SỬ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

2.1. Tầm nhìn và giá trị cốt lõi

2.1.1. Tầm nhìn đến năm 2025

          Đến năm 2025, Bộ môn sẽ trở thành lực lượng góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Lịch sử có chất lượng cao cho xã hội, một trung tâm nghiên cứu lịch sử địa phương uy tín trong khu vực và cả nước.

2.1.2. Nhiệm vụ

- Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các trình độ Cử nhân Sư phạm Lịch sử, Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ Lịch sử Việt Nam.

- Giảng dạy các học phần liên quan cho sinh viên khối ngành khoa học xã hội nhân văn và sư phạm xã hội.

- Nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2.2. Mục tiêu chiến lược đến năm 2020

- 100% sử dụng tốt 01 ngoại ngữ cho giảng dạy và nghiên cứu.

- Phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, thực hiện tốt đào tạo theo CDIO.

- Hình thành các hướng và nhóm nghiên cứu chuyên sâu trong bộ môn.

- Giữ vững và ổn định quy mô đào tạo.  

2.3. Các giải pháp chiến lược

2.3.1. Giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ

- Tăng cường cử cán bộ đi học các khóa đào tạo về ngoại ngữ ở trong và ngoài nước.

- Tăng cường cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên.

- Hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế về giảng dạy và phối hợp nghiên cứu khoa học.

- Tăng cường sự hợp tác, tạo môi trường làm việc thân thiện trong bộ môn.

2.3.2. Giải pháp về đào tạo

- Tiếp tục phát triển chương trình đào tạo theo hướng cập nhật với khu vực và quốc tế.

- Chủ động trong công tác quảng bá và khai thác các kênh tuyển sinh ở các hệ đào tạo.

- Tăng cường hợp tác, liên kết dưới nhiều hình thức và hoạt động đào tạo với các bộ môn của các tổ chức, các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài nước.

2.3.3. Giải pháp về nghiên cứu khoa học

- Xây dựng các định hướng và nhóm nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử Việt Nam; khuyến khích giảng viên tham gia các hội thảo, xuất bản sách, đăng bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc gia, quốc tế.

- Chủ động khai thác các nguồn lực phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo của Viện Sư phạm xã hội, Nhà trường và Ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

- Tăng cường liên kết với các đơn vị trong và ngoài trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học; 

- Tăng cường nghiên cứu khoa học cho sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh.


                                                               BỘ MÔN LỊCH SỬ VIỆT NAM