CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Nghệ An, ngày 28 tháng 8  năm 2018

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

BỘ MÔN PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ

VIỆN SƯ PHẠM XÃ HỘI, TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 (Tầm nhìn đến 2025)

 
I. GIỚI THIỆU CHUNG

1.1. Vài nét về bộ môn Phương pháp giảng dạy và Quản lý văn hóa  

Từ năm 1968, cùng với quyết định thành lập Khoa Lịch sử Đại học S­ư phạm Vinh, các tổ bộ môn được hình thành, bao gồm tổ Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới - Phương pháp giảng dạy. Như­ vậy, tiền thân của tổ bộ môn Phương pháp giảng dạy và Quản lý văn hóa hiện nay là tổ ghép Lịch sử thế giới và Phư­ơng pháp giảng dạy. Đến năm 1995, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Khoa Lịch sử, nhóm Phương pháp giảng dạy được tách thành tổ độc lập.

Từ năm 2001, Khoa Lịch sử giao cho Bộ môn đảm nhận giảng dạy thêm một số học phần mới nh­ư Dân tộc học, Khảo cổ học, Xã hội học, Lịch sử địa ph­ương, Cơ sở văn hoá Việt Nam... bộ môn Phương pháp giảng dạy đ­ược đổi tên thành bộ môn Phương pháp giảng dạy và Các môn cơ sở. Từ năm 2016, bộ môn lại đổi tên là Phương pháp giảng dạy và Quản lý văn hóa.

Từ tháng 6/2018, thực hiện đề án tái cấu trúc Nhà trường, Tổ Phương pháp giảng dạy và Quản lý văn hóa tách làm 02 bộ phận, bộ phận Phương pháp giảng dạy về Viện SP Xã hội với tên gọi Phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử.

Từ ngày thành lập đến nay, Bộ môn đảm nhận giảng dạy các học phần chuyên ngành Phương pháp giảng dạy, Khảo cổ học, Lịch sử địa ph­ương, Nhập môn sử học, Dân tộc học, Xã hội học, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Ph­ương pháp luận sử học, các học phần chuyên ngành Quản lý văn hóa cho sinh viên các hệ đào tạo. Cán bộ giảng dạy của Bộ môn còn tham gia đào tạo Cao học Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Chất lượng giảng dạy đ­ược sinh viên, học viên thừa nhận.

Cùng với hoạt động đào tạo, cán bộ giảng dạy của Bộ môn còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Từ năm 1968 đến nay, cán bộ giảng dạy của Bộ môn đã công bố hơn 400 bài viết trên Tạp chí Khoa học, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; biên soạn và xuất bản 5 giáo trình, 4 sách chuyên khảo, chủ trì và tham gia 7 đề tài KHCN cấp Bộ, 4 đề tài cấp Tỉnh và gần 50 đề tài cấp Trường. Kết quả NCKH nhìn chung đ­ược đánh giá tốt và triển khai ứng dụng trong thực tiễn đào tạo của Nhà trường, của Ngành và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

1.2. Cơ sở pháp lý xây dựng kế hoạch chiến lược

Kế hoạch chiến lược phát triển Bộ môn Phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử được xây dựng dựa trên các văn bản pháp lý gồm: Luật Giáo dục 2005 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng Cộng sản Việt Nam; Quy hoạch mạng lưới các trường Đại học và Cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, theo Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; Điều lệ Trường Đại học ban hành theo quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế tự chủ của Trường đại học; Kế hoạch chiến lược phát triển Trường Đại học Vinh trọng điểm và là thành viên của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á.

1.3. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức

1.3.1. Điểm mạnh

Đội ngũ cán bộ của Bộ môn nói riêng có trình độ chuyên môn cao, có ý thức, trách nhiệm đối với tập thể Nhà trường và Viện Sư phạm xã hội. Chương trình đào tạo do Viện Sư phạm xã hội và Bộ môn xây dựng đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại từng bước cập nhật xu thế đào tạo của khu vực và quốc tế. Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác và trong cuộc sống đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Bộ môn.

1.3.2. Điểm yếu

Khả năng sử dụng ngoại ngữ của giảng viên trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy còn hạn chế. Trong Bộ môn chưa hình thành được các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Công tác đào tạo bậc Sau đại học (Tiến sĩ và Thạc sĩ) còn thiếu và yếu.

1.3.3. Cơ hội

 Viện Sư phạm xã hội nói chung, Bộ môn nói riêng thường xuyên được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Bên cạnh đó, Trường Đại học Vinh đang từng bước tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình đào tạo tiếp cận CDIO, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế đã tạo thời cơ để cán bộ giảng dạy của Bộ môn thực hiện các chương trình nghiên cứu, liên kết đào tạo quốc tế và tiếp cận với các chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến.

1.3.4. Thách thức

Áp lực cạnh tranh về chất lượng đào tạo, nguồn tuyển sinh, yêu cầu về trình độ của giảng viên theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, sự đòi hỏi ngày càng cao về năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và ngoại ngữ… đã đặt ra cho đội ngũ giảng viên của Bộ môn những khó khăn, thách thức trong quá trình tự hoàn thiện mình.

II. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỘ MÔN PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY BỘ MÔN LỊCH SỬ ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

2.1. Tầm nhìn và giá trị cốt lõi

2.1.1. Tầm nhìn đến năm 2025

            Đến năm 2025, Bộ môn Phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử sẽ trở thành lực lượng quan trọng góp phần đào tạo nguồn nhân lực ngành Sư phạm Lịch sử có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tham gia tích cực hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Nhà trường, Viện Sư phạm xã hội và địa phương.

 2.1.2. Nhiệm vụ

Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ở các trình độ Cử nhân Sư phạm Lịch sử và Quản lý văn hóa; Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ.

2.2. Mục tiêu chiến lược đến năm 2020

Phấn đấu 100% giảng viên của Bộ môn đạt trình độ Tiến sĩ; Sử dụng tốt tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Phát triển chương trình đào tạo tiếp cận CDIO; Giữ vững và ổn định quy mô đào tạo sinh viên hệ chính quy.  

2.3. Các giải pháp chiến lược

2.3.1. Giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ

Tăng cường cử giảng viên đi học các khóa đào tạo về ngoại ngữ; Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ giảng viên về chuyên môn, nghiệp vụ; Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác giữa Bộ môn, Viện Sư phạm xã hội và Nhà trường với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Tạo môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, khuyến khích sự phấn đấu của giảng viên trong học tập, rèn luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ.

2.3.2. Giải pháp về đào tạo

Tiếp tục phát triển chương trình đào tạo theo hướng cập nhật với khu vực và quốc tế; Chủ động trong công tác quảng bá và khai thác các kênh tuyển sinh ở các hệ đào tạo; Tăng cường hợp tác, liên kết dưới nhiều hình thức với các tổ chức, các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài nước.

2.3.3. Giải pháp về nghiên cứu khoa học

Thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp giảng dạy lịch sử và quản lý văn hóa; Chủ động khai thác các nguồn lực phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học; Gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo của Viện Sư phạm xã hội, Nhà trường và Ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tăng cường liên danh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học; Chú trọng công bố kết quả nghiên cứu bằng nhiều hình thức khác nhau ở trong nước, tiến tới công bố quốc tế; Đẩy mạnh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và huy động nguồn lực sinh viên tham gia các đề tài, dự án do cán bộ giảng viên Bộ môn chủ trì.

BỘ MÔN PPGD BỘ MÔN LỊCH SỬ