Trong đó, đặc biệt Người chú trọng đến nội dung không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương trong công việc, trong đạo đức lối sống, trong tác phong hàng ngày, tiên phong trong suy nghĩ và hành động, dù ở hoàn cảnh nào. Do đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người nhấn mạnh việc giữ gìn và nâng cao đạo đức cách mạng là một yêu cầu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là cán bộ đảng viên, nhất là khi Đảng đã trở thành một đảng cầm quyền. Trong Di chúc (1965-1969), Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” [13].

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền thể hiện trên nhiều khía cạnh, mức độ khác nhau. Xuất phát từ tư tưởng coi đạo đức là “gốc”, là nền tảng, cho nên Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói, bài viết đề cập tới giáo dục đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng là đạo đức mới, là phẩm chất không thể thiếu và là cái gốc của con người xã hội chủ nghĩa. Bởi, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[6]. Qua nghiên cứu, có thể khái quát một số nội dung quan điểm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền như sau:

1.1. Đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền thể hiện ở tinh thần phục vụ nhân dân, vì nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm và gắn bó với nhân dân

Theo Hồ Chí Minh, khi nhấn mạnh quyền của Đảng nghĩa là Đảng phải xác định cho được đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tổ chức nhân dân thực hiện. Cầm quyền, không phải là đứng trên nhân dân, Người chỉ rõ cái quyền mà Đảng có được, là do dân, nhờ dân và của dân, cho nên, cầm quyền là công bộc thực sự của nhân dân, “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đồng thời, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi đường lối, chủ trương, chính sách đã đề ra. Hồ Chí Minh không bao giờ quên nhắc nhở cán bộ đảng viên phải nhớ đến trách nhiệm của một Đảng cầm quyền. Người luôn chú ý giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và toàn Đảng nói chung về trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, đối với Nhà nước của dân cũng như đối với toàn dân tộc. Vì thế, năm đầu tiên giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hoạt động của bộ máy chính quyền "việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh"[5].

Đảng cầm quyền thì cán bộ, đảng viên phải thật sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Hồ Chí Minh đã nêu lên một nội dung hết sức quan trọng là Tư cách và đạo đức cách mạng. Đó trước hết là 12 điều tư cách của một đảng chân chính cách mạng và tiêu chí đầu tiên là: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”[7]. Người cũng xác định tư cách của mỗi cán bộ, đảng viên chân chính khi chỉ rõ: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”[8].

Trong điều kiện đảng cầm quyền, đảng viên phải thực sự gương mẫu, tiên phong để nhân dân noi theo. Đối với nhân dân ta, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[3]. Nhân dân sẽ không tín nhiệm, ủng hộ những người không vì họ mà chỉ mang nặng chủ nghĩa cá nhân “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân…”[14]. Vì vậy, Đảng phải luôn giữ gìn sự trong sáng của mình, một lòng một dạ phục vụ nhân dân và luôn biết giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng thì mới bảo đảm chắc chắn cho sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải phục vụ nhân dân nghĩa là mọi đường lối và hành động của Đảng đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Năm 1960, trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng, Người nhấn mạnh: "Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác"[12].  

1.2. Đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền thể hiện ở sự kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, phát huy quyền làm chủ của người dân 

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là giành chính quyền và quan trọng hơn là chính quyền đó thuộc về ai. Khi chính quyền cách mạng đã thuộc về nhân dân, thì tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân. Để đạt mục tiêu ấy, Hồ Chí Minh luôn trăn trở rằng Đảng cầm quyền phải làm thế nào để nhân dân thực sự làm chủ, thực sự nắm quyền lực nhà nước, thực hiện lý tưởng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì thế, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958), Người xác định: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”[11]. Đó chính là mục tiêu lý tưởng của Đảng đề ra khi mới thành lập mà mỗi đảng viên nào khi vào Đảng đều được nhắc đến lý tưởng cao cả đó như một điều kiện tiên quyết để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng khi Đảng đã trở thành một Đảng cầm quyền, không ít đảng viên dễ quên hay phai nhạt cái lý tưởng cao cả, thiêng liêng đó.  

Khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền thì tính chất hai mặt của quyền lực cũng là một thách thức cho đạo đức của Đảng cầm quyền. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền lực nếu được sử dụng đúng thì sẽ tạo ra một sức mạnh to lớn đem lại thành công cho cách mạng, lợi ích cho nhân dân; ngược lại, nếu quyền lực không được sử dụng đúng sẽ gây ra sức phá hoại ghê gớm đối với sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ trong điều kiện cầm quyền, Đảng đứng trước nguy cơ từ sai lầm không được sửa chữa sẽ dẫn tới biến chất, làm cho Đảng không những không còn là “người đầy tớ” thật trung thành phục vụ nhân dân mà biến thành “quan nhân dân”, “đè đầu, cưỡi cổ nhân dân” biến thành cực đối lập với nhân dân. Thấy rõ nguy cơ biến chất, tha hoá của một Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đảng viên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, không được chủ quan tự mãn khi đã nắm quyền trong tay, không được biến thành những “ông quan cách mạng”. Người phê phán nghiêm khắc hiện tượng lạm quyền, “cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ”. Người yêu cầu “đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác của Đảng mà còn phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan đoàn thể cách mạng, của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng cầm quyền là phải đảm bảo cho nhân dân thật sự quản lý công việc của Nhà nước. Đảng không chỉ chịu trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước mà cần phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi hoạt động của Nhà nước. Đảng mạnh thì Nhà nước mạnh. Đảng cầm quyền phải phát huy được vai trò của Nhà nước với tư cách bộ máy do nhân dân lập ra, dân giao phó những nhiệm vụ quản lý, điều hành đất nước. Nhà nước có mạnh thì dân mới mạnh. Nhà nước hoạt động tốt, không quan liêu, không tham nhũng thì không những nhân dân yêu mến, tín nhiệm Nhà nước mà nhân dân cũng tin tưởng, yêu mến Đảng. Đảng đã vì dân thì tất nhiên dân cũng vì Đảng, bảo vệ Đảng và coi Đảng cầm quyền là của chính mình. Đồng thời, điều đó cũng phản ánh bản chất của nhà nước kiểu mới và chỉ có Nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân mới có sự thừa nhận một Đảng cầm quyền duy nhất. Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối và phải tuân theo pháp luật chứ không thể đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Đảng tôn trọng Nhà nước cũng có nghĩa là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phát huy quyền là chủ và làm chủ của nhân dân.

1.3. Xây dựng đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản phải luôn gắn liền với xây dựng Nhà nước

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù ở cấp bậc gì, từ người chủ tịch nước đến người nấu ăn đều phải nhận thức được mình là thành viên của một đảng cách mạng chân chính; phải thường xuyên rèn luyện tư cách đạo đức cách mạng, luôn phải tự giáo dục, rèn luyện mình. Chính vì “Đảng cũng ở trong xã hội”, do đó đạo đức của người đảng viên cộng sản mà Hồ Chí Minh đòi hỏi chính là biểu hiện tổng hòa của những tiêu chí đạo đức trong các mối quan hệ của họ đối với Nhân dân -  Nhà nước - Dân tộc - Giai cấp và Đảng. Một người đảng viên tốt thì cũng là người công dân mẫu mực, làm nòng cốt cho việc giữ gìn kỷ cương, đạo đức xã hội. Ngược lại, nếu là đảng viên xấu, thoái hóa biến chất thì sẽ gây ra chất xúc tác làm cho những thói hư tật xấu trong xã hội lây lan, bùng phát. Lúc đó, chính họ lại là một lực lượng phá hoại ghê gớm đối với nền tảng đạo đức xã hội và làm vô hiệu hóa pháp luật. Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự khác nhau giữa đảng cách mạng chân chính với các đảng phái khác là ở chỗ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Người nhận diện những biểu hiện của những cán bộ quan liêu. Đó là những cán bộ: “Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường, làm một nẻo. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí... Chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự cho mình. Tham ô, hủ hóa. Trước mặt dân chúng thì lên mặt quan cách mạng”. “Làm việc thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở,... chỉ biết dùng mệnh lệnh”. “Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”... Song, những việc thiết thực, cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến”[9].

Hồ Chủ tịch rất trăn trở với vấn đề quyền lực của nhân dân có thể bị cán bộ, đảng viên lạm quyền, thao túng quyền lực; tư túng, chia rẽ, thoái hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nước nhà đã giành được độc lập rồi, “mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”[4]. Do đó, độc lập của dân tộc phải gắn liền với tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự của nhân dân; độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH. Nếu cán bộ, đảng viên tham nhũng tức là họ làm biến chất Đảng, biến chất Nhà nước, biến thành kẻ đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân. Chống tham nhũng là công việc xây dựng Đảng, là vấn đề giữ vững bản chất Đảng, là công việc chống kẻ thù bên trong của chính bản thân Đảng và Nhà nước.

Để xây dựng Đảng, trong công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh khẳng định: Phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, bồi dưỡng ý thức cần, kiệm, liêm chính. Ngày 3-2-1969, bài viết của Hồ Chí Minh về “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” được công bố sâu rộng. Người biểu dương những cán bộ, đảng viên anh dũng và gương mẫu trong chiến đấu và sản xuất, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau. Song bên cạnh những đồng chí ấy, còn có một số đảng viên thấp kém về đạo đức, phẩm chất mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tham ô, hủ hoá, lãng phí, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng. Chính vì vậy, phải ra sức tăng cường giáo dục về lý tưởng, về đạo đức cách mạng, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng, xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù bên trong, phá hoại tư tưởng và tổ chức của Đảng, phá hoại sự đoàn kết, danh dự, uy tín của Đảng. Nó chính là nguy cơ trực tiếp làm cho Đảng mất dần quần chúng, mất tín nhiệm đối với nhân dân. Người chỉ rõ: “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm tiền của công làm của tư... là BẤT LIÊM”; “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Tại Hội nghị phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu (1952), Bác khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ... vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”; “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hi sinh xương máu, đồng bào thì hi sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội làm việt gian, mật thám. Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”[10].

Thực tế cách mạng ở Việt Nam đã khẳng định sự quan tâm, kiên trì, bền bỉ và cương quyết của Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng, nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, vấn đề xây dựng bộ máy chính quyền Nhà nước của dân, do dân, vì dân, rèn luyện đội ngũ công chức chính quyền được Người dành sự quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh hiện nay, những quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng cho Đảng cầm quyền và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người có giá trị sâu sắc, rọi chiếu đến toàn Đảng, toàn dân học tập và noi theo.

2. Một số giải pháp nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hiện nay, trong công tác xây dựng Đảng, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức là một vấn đề trọng yếu, là nhiệm vụ then chốt đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền vào công tác xây dựng Đảng hiện nay cần phải tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận chính trị, tập trung vào lý luận về đảng cầm quyền, Đảng cầm quyền ở Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của Đảng cầm quyền.

Thứ hai, đấy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức cách mạng; nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong học tập, tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng, phong cách và tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, chú trọng giáo dục các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên gắn liền với thực hiện nhất quán các nguyên tắc đạo đức.

Thứ tư, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá, tổng kết thực tiễn học tập, nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ đảng viên theo quan điểm và gương sáng của Hồ Chí Minh.

Xây dựng Đảng về đạo đức trong điều kiện đảng càm quyền là sự kế thừa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa là đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay. Xây dựng Đảng về đạo đức phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, bằng nhiều hình thức, theo phương châm kết hợp biện pháp tư tưởng và tổ chức, lý luận và thực tiễn, giữa giáo dục, nâng cao nhận thức lý luận, quan điểm, tư tưởng với rèn luyện trong thực tiễn, tự phê bình và phê bình. Đây là một việc làm cần thiết để làm cho tất cả cán bộ đảng viên phải xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong cách mạng, được góp sức nhiều hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.   

3. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác Hồ kính yêu đã cống hiến cho dân tộc, đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, rèn luyện và xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng dân tộc đạt đến những thắng lợi vẻ vang. Khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, kỳ vọng lớn nhất của Bác là Đảng làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân ủy thác, giao phó. Vì vậy, giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền là một vấn đề trọng yếu của Đảng.

Bản thân tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chủ tịch là một kho báu mà dân tộc ta tự hào, hạnh phúc có được. Trong quá trình xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên dành tâm trí để nghiên cứu, quán triệt, học tập và làm theo những quan điểm Hồ Chí Minh về đạo đức của Đảng cầm quyền và học từ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người. Giáo dục cán bộ, đảng viên rèn luyện đạo đức cách mạng cần khắc sâu hình ảnh của Bác Hồ “Một con người bình thường song vĩ đại, có phẩm chất và đạo đức của người chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù cũng như trong công cuộc xây dựng đời sống mới”[2].

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kế thừa giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục những hạn chế trong đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đối với những người đứng đầu các cấp, các ngành. Tình hình thực tế hiện nay cho thấy những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền đang nóng hổi tính thời sự cấp bách. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện xây dựng các chuyên đề học tập hàng năm để cán bộ, đảng viên nghiên cứu quán triệt và làm theo. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người chính là thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc không ngừng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Đảng là cả một quá trình thường xuyên, liên tục, bền bỉ nhất là khi đảng đã nắm chính quyền. Một đảng cầm quyền vừa phải là đạo đức vừa văn minh, một đảng cầm quyền thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân, vì nhân dân, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân dành cho Đảng thì mới có thể tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trong sự nghiệp cách mạng vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Phạm Văn Đồng. (1976). Hồ Chủ Tịch tinh hoa của dân tộc, lương tâm của thời đại, Nxb Sự thật.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.284
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.175
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.51
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.292
  7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.289
  8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.291
  9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.6, tr.433
  10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.357-358
  11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.603
  12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.435
  13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.611-612
  14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr.672.

Tác giả: TS. Bùi Thị Cần

Viện SPXH- Trường Đại Học Vinh